Nằm nép mình trong một nhóm đảo trải dài từ Nam sang Đông thuộc quần đảo Izu Shichitō của Nhật Bản, cách 110 dặm về phía Tây Nam Tokyo, đảo Miyakejima thường khiến nhiều người kiêng dè bởi đây là lãnh địa nguy hiểm, muốn sống phải có mặt nạ phòng độc.
Núi lửa đe dọa
Theo tiếng địa phương, quần đảo có tên là Izu Shichitō có nghĩa là bảy hòn đảo, song trên thực tế ở đây có đến vài chục đảo nhỏ. 9 đảo có người sinh sống, trong đó có Miyakejima, dù được mệnh danh là “Hòn đảo chết chóc”.
Cao khoảng 800m và rộng 8km, đảo Miyakejima được hình thành từ một lần phun trào núi lửa từ đáy biển, có niên đại từ 10.000-15.000 năm trước. Sau nhiều lần thay đổi địa chất, hòn đảo có dạng hình nón chụp như hiện nay.
Dân số của Miyakejima là khoảng 2.800 (tính đến tháng 4/2009). Miyakejima thường ở trong trình trạng nguy hiểm, nhưng vẫn có một lượng dân cư sinh sống trên đảo. “Tôi muốn sống ở đây cho đến khi lìa đời bởi Miyakejima là quê hương của tôi. Tôi biết sẽ có rất nhiều mối đe dọa khi sống ngay cạnh một ngọn núi lửa đang hoạt động và lúc nào cũng phải mang mặt nạ phòng độc trên người, nhưng tôi chấp nhận điều đó. Chỉ đơn giản là vì tôi yêu nơi này!”, một cư dân chia sẻ.
Họ kiếm sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch. Mặc dù môi trường sống liên tục bị đe doạ từ hoạt động của núi lửa, nhưng chính sự hình thành do núi lửa điều này đã ban tặng cho Miyakejima đất đai trù phú, rất tốt cho việc trồng trọt chăn nuôi.
Đảo là nơi cư trú của một hệ thực vật và động vật phong phú, trong đó có một số loài chim và động vật quý hiếm trên thế giới. Miyakejima cũng là nơi có các loại hải sản tươi ngon, chất lượng cao nhất ở Nhật Bản như tôm hùm đá, cá ngừ, cá hồng đỏ…
Đảo Miyakejima được mệnh danh là “Hòn đảo chết chóc”. |
Đảo Miyakejima là nơi quy tụ số lượng lớn các ngọn núi lửa, trong đó núi lửa Oyama là lớn nhất, từng nhiều lần phun trào và hiện nay vẫn được liệt vào những ngọn núi lửa đang hoạt động ở Nhật Bản. Oyama đã phun trào 13 lần suốt 500 năm qua, bao gồm 5 lần kể từ khi thời Minh Trị.
Trong đó, vụ phun trào núi lửa năm 1940 đã giết chết 11 người, tiếp đó là vào năm 1962 không gây thiệt hại đáng kể. Đến năm 1983, vụ nổ khiến 400 ngôi nhà phá hủy, đốt cháy khu rừng gần đó và chôn vùi một hồ nước.
Lần gần đây nhất là vào tháng 6/2000, khi ngọn núi lửa Oyama trên đảo trở mình và phun trào một lần nữa. Vì các nhà địa chấn học đã ghi lại các hiện tượng địa chất, đo được hơn 17.500 rung chấn trước đó và đưa ra lời cảnh báo, kêu gọi người dân sơ tán.
Đến tháng 9, tất cả 3.800 cư dân đã được sơ tán đến Tokyo, vì toàn bộ khu vực bị nhiễm độc bởi các loại khí phun trào từ miệng núi lửa và nhiều nhất là lưu huỳnh với số lượng lên tới 42.000 tấn.
Tuy nhiên sau đó rất nhiều người muốn quay trở về đảo, do vậy người đứng đầu ngôi làng ở đảo Miyakejima quyết định dỡ bỏ lệnh sơ tán. Những ai muốn quay trở về đảo phải tự chịu trách nhiệm vì những rủi ro về sức khỏe. Do vậy, vụ phun trào sau đó đã khiến khoảng 600 người thiệt mạng.
Vào năm 2005, khoảng 3.000 cư dân trở lại để tái định cư. Họ đã sốc khi hầu hết những ngôi nhà bị dòng nham thạch phá hủy, cây cối chết vì khói bụi và lưu huỳnh. Phải đến năm 2010, 5 năm đã trôi qua kể từ khi mọi người trở lại, hòn đảo hiện đã được tái sinh và hồi phục đáng mạnh mẽ, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cư dân địa phương.
Mặc dù đã tạm thời ngủ yên, nhưng theo nghiên cứu, núi lửa Oyama vẫn đang âm thầm hoạt động và có thể thức giấc bất cứ khi nào,. Do vậy cuộc sống của những người dân nơi đây lúc nào cũng bị đặt trong tình trạng báo động nguy hiểm.
Sức hấp dẫn đặc biệt
Có lẽ ít người chú ý đến hòn đảo này và sự nguy hiểm của nó nếu như không xuất hiện những bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt đời thường của cư dân trên đảo Miyakejima với những chiếc mặt nạ phòng độc, khiến cho người ta liên tưởng đến những ngày tận thế hoặc những cảnh quay trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó.
Người dân đeo mặt nạ phòng độc |
Tuy nhiên với cư dân trên đảo, sử dụng mặt nạ phòng độc khi có còi báo nồng độ lưu huỳnh cao trong không khí đã không còn là điều lạ lẫm. Thậm chí, cô dâu, chú rể và mọi người tham dự đám cưới cũng đều phải mang những chiếc mặt nạ ấy.
Được mệnh danh là “Hòn đảo chết chóc”, sự nguy hiểm đảo Miyakejima không chỉ nằm ở những lần núi lửa phun trào mà còn tiềm ẩn ở trong không khí. Khi núi lửa phun trào và ngay cả khi núi lửa không phun trào vẫn luôn có một lượng khí bốc lên ở miệng các ngọn núi lửa, khí này rất độc và là một mối đe dọa cho những cư dân sinh sống ở nơi đây.
Các nhà địa chất đo được nồng độ lưu huỳnh trong không khí thường cao hơn mức bình thường. Do vậy chính quyền đã chính thức yêu cầu cư dân địa phương buộc phải mang mặt nạ phòng độc mọi lúc mọi nơi 24/7. Chỉ được phép tháo mặt nạ khi tiếng còi báo động tắt, lúc này mức độ ô nhiễm xuống thấp và an toàn cho sức khỏe.
Sự nguy hiểm khiến nhiều người sợ không dám đặt chân tới hòn đảo này. Tuy nhiên, 2.775 cư dân dân địa phương vẫn cuộc sống bình thường và khỏe mạnh. Đánh cá và nuôi trồng vẫn là ngành nghề chủ yếu trên Miyakejima. Cuộc sống cứ tiếp tục, họ vẫn lao động, kinh doanh, buôn bán. Họ cũng có những bữa tiệc, lễ hội, đám cưới, đám tang, đi học, đi chơi… như bất kỳ vùng đất nào trên thế giới.
Vào tháng 5/2017, Tạp chí Sức khỏe Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu về tác động của lưu huỳnh đối với sức khỏe của cư dân trên đảo Miyakejima. “Những người trưởng thành ở Miyakejima không có dấu hiệu về suy giảm chắc năng phổi và có sức khỏe hoàn toàn bình thường”, theo báo cáo nghiên cứu.
Một đám cưới trên đảo. |
Miyakejima không phải điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm lại càng khiến cho mọi người tò mò về sự khắc nghiệt của hòn đảo. Vì thế hiện tại rất nhiều du khách tìm đến và biến Miyakejima trở thành một hòn đảo du lịch dành cho những người ưu thích mạo hiểm, khám phá.
Tuy nhiên, tất cả khách du lịch đến đảo Miyakejima sẽ phải mua 1 chiếc mặt nạ phòng độc bày bán ngay tại các trạm phà, cửa hàng địa phương và phải mang chúng trong suốt chuyến tham quan. Điều này có thể hơi bất tiện và nếu không quen sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng đây là quy định bắt buộc vì sự an toàn cho bản thân mọi người. Thậm chí ngay cả những con vật trên đảo cũng được trang bị những chiếc mặt nạ để bảo vệ chúng.
Mặc dù nguy hiểm nhưng nơi đây có phong cảnh rất đẹp và ít được con người cải tạo nên đối với những du khách thích chụp ảnh, Miyakejima làm một địa điểm không thể bỏ qua.