Đường đi từ đình làng An Thành ra chợ Tây Ba là con đường chính của xã Quảng Thành được trải nhựa thẳng tấp, khá sạch sẽ và khang trang, nên khách lạ đến đây ai cũng rất ngạc nhiên bởi sự hiện diện của một hòn đá nằm sừng sững ở ngay giữa ngã ba đường. Xung quanh hòn đá vô tri, người ta bày ra các đồ thờ cúng, nhang khói trên lư hương một cách rất thành kính uy nghiêm.
Các bậc bô lão của làng cho biết, xung quanh làng An Thành đều là sông suối, làng như một hòn đảo. Đối diện với hòn đá trước đây là một con hoái (khúc sông nhỏ, có bến nước để gánh nước, giặt giũ - PV), bề rộng chỉ khoảng 2m. Ngày xưa, những năm mưa lụt, nước luôn ngập vào làng khiến nhiều người chết thảm.
Người làng mới bàn nhau lập một hòn đá để “trấn phong thủy” nhằm không cho nước vào làng, chóng xói mòn, những bất trắc không may. Cái hoái trước đây bây giờ đã bị mọi người lấp đi từ rất lâu. Làng An Thành được thành lập hơn 400 năm nên nhiều người nhẩm tính hòn “đá thần” này cũng được khoảng 300 tuổi.
Theo quan sát, hòn đá này hiện đang nằm cách một nhánh của sông Bồ chỉ 4m, là một khối hộp hình chữ nhật được dựng đứng với chiều cao khoảng 40cm, chiều dài 30cm và chiều rộng 10cm, màu đá pha với ít màu rong rêu thời gian biến thành màu xanh đen. Xung quanh hòn đá, vào năm 2011, một người ở Đà Nẵng đã xin làng làm nền hình chữ nhật và lát gạch hoa màu trắng trên diện tích khoảng 3,5 m2. Phía sau hòn đá là cây cổ thụ cao gần 10m tỏa bóng che chở.
Những người trong làng đồn nhau rằng thi thoảng khi màn đêm chìm xuống là họ lại thấy sự xuất hiện của một người con gái và một chú bé lúc ẩn , lúc hiện, thường đi tới đi lui cùng một cây chuối bập bềnh.
Vì sao có sự đồn đại này? Vào năm 1960, có một cô gái tên là Lan đang đi gánh nước ở khúc sông cạnh hòn đá, bị bom Mỹ ném trúng, tử vong tại chỗ. Rồi 20 năm sau, một cậu bé mới chỉ 3 tuổi, nhà ở cạnh hòn đá, do gia đình bất cẩn nên để con rớt xuống nước sôi, bị bỏng chết ngay. Hai cái chết đều ở gần hòn đá.
Một chuyện lạ khác, hòn đá đã nhiều lần bị dời đi, nhưng vài ngày lại được ai đó bí mật đưa về chỗ cũ. Khi làng mở đường rộng ra, hòn đá mới án ngữ ở chính giữa đường như vị trí ngày hôm nay. Một số người đã đem nó xuống gần bờ sông, nhưng hôm sau nó “như có chân” lại bò lên. Nên mọi người khấn nguyện và chuyển “thần đá” lên như vị trí ngày hôm nay.
Anh Lê Văn Hải (46 tuổi, nhà gần hòn đá) kể lại: “Cách đây chưa đầy 2 năm, hòn đá này cũng từng bị mất đi, cả làng xôn xao nhưng hai ngày sau nó lại trở về nguyên vẹn”. Cây cổ thụ phía sau nơi thờ hòn đá, đường kính gần cả mét, mọc hoang như vậy nhưng không một ai dám chặt đi để làm gỗ hay lấy củi. Đến đường dây điện đi ngang qua cái cây này, người ta cũng không dám chặt nhánh để đi dây mà phải chuyển sang phía sau một đoạn.
Một chuyện trùng hợp mới xảy ra gần đây nhất. Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, một thanh niên 24 tuổi tới hòn đá, dẹp bỏ tất cả các lư hương xuống dưới. Vài ngày sau anh thanh niên trẻ này bỗng nhiên phát bệnh tâm thần, đi bộ cả ngày, áo quần chỉnh tề, ai cho gì ăn nấy.
Những điều chưa được giải thích nêu trên khiến những thêu dệt về hòn đá càng đi quá đà. Anh Trần Trí (30 tuổi), người đã ba năm nay lo nhang khói cho hòn đá này cho biết: “Nhận thấy “hòn đá trấn” này có điều gì đó rất ý nghĩa về lịch sử đối với làng An Thành này nên tôi tình nguyện vệ sinh, nhang khói vào những ngày sóc vọng.
Cứ người nọ truyền miệng người kia rồi dần dần viên đá trở lên nổi tiếng. Thậm chí nhiều người thấy sau khi tôi “hầu” ngài đã cưới được một cô vợ xinh đẹp, ăn nên làm ra họ lại đồn tôi được ngài phù hộ. Gần đây họ lại vừa đồn tôi mới trúng số 1 tỷ rưỡi”./.