Các điểm, bãi đỗ xe công cộng ở Hà Nội được cấp phép chỉ đáp ứng được 8 – 10% nhu cầu đỗ của phương tiện, còn lại số xe đang đỗ tại các điểm bãi đỗ đa phần đều không được cấp phép.
Đâu đâu cũng thấy sai phép
Để giải quyết nhu cầu bức xúc về điểm đỗ cho nhân dân, thời gian qua một số dự án bãi đỗ xe đã hoàn thành và đang được triển khai xây dựng như: Bãi đỗ xe chợ Hàng Da, mương Phan Kế Bính, Chợ Mơ, Gia Thụy, bãi đỗ xe lắp ghép giàn thép cao tầng trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Công Trứ.
Phạt xe đỗ sai quy định. |
Thậm chí thành phố cũng tiến hành sắp xếp các điểm đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè cũng như tiến hành cấp phép tạm thời tại một số tuyến phố có lưu lượng thấp.
Tuy nhiên, hiện thành phố chỉ có khoảng 687 điểm đỗ xe có phép với diện tích khoảng hơn 12ha (chiếm 8 -10%) so với nhu cầu thực tế. Ngay tại các điểm đỗ lớn như Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Nam Thăng Long, Gia Thuỵ, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Kim Ngưu cũng chỉ tiếp nhận được 2.863 xe ô tô.
Trong khi đó, Hà Nội hiện có hơn 370.000 ô tô và trên 3,7 triệu xe máy. Đặc biệt ở tình trạng khan hiếm bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
Theo thống kê của UBND TP, trên địa bàn các quận trung tâm có 176 dự án nhà cao tầng với công năng làm văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư, song diện tích dành để đỗ xe chỉ đáp ứng được 20-35% nhu cầu, số còn lại phải đi gửi xe tại các điểm đỗ khu vực xung quanh
Điểm đỗ xe thiếu, lưu lượng xe mới đăng ký mỗi ngày một tăng, điều này đã dẫn tới việc hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên, thu phí giá cao ngất ngưởng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân. Trên các tuyến phố trung tâm, bãi đỗ xe “giăng” khắp lòng đường, vỉa hè, nhưng có rất ít nơi giá gửi xe đúng mức quy định. Đa số thường chỉ tính giá gửi xe theo giờ (lên đến 30.000 đồng cho hai giờ để xe).
Có một thực tế, tại nhiều tuyến phố, chủ xe đến cơ quan chỉ nhận được cái lắc đầu hết chỗ để ôtô. Vì thế, hàng ngày nhiều người phải chấp nhận khổ sở đi sớm để “xí chỗ” đỗ xe. Thực trạng thu tiền trái quy định này đã diễn ra nhiều năm nay, rất nhiều lời phản ánh tới các cơ quan quản lý nhưng tất cả chỉ rơi vào một sự im lặng khó hiểu, may chăng có dịp chỉ một vài địa chỉ trông giữ xe trái phép được nhận những tấm giấy phạt “nhẹ hều” rồi đâu cũng đóng đó.
Phải chăng trong sự bát nháo của các bãi xe trái phép này có sự thỏa thuận “ngầm” giữa các bên. Chính người viết khi thắc mắc giá vé đắt, tại điểm giữ xe trên đường Lý Thường Kiệt đã bị người thu tiền xe gắt: Mình tôi có được đâu, cũng phải chia năm xẻ bảy chứ.
Doanh nghiệp được quyết định giá
Nhằm giải quyết triệt để bài toán giao thông tĩnh, UBND TP. Hà Nội đã hoàn tất Dự thảo quy định khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ôtô và các phương tiện khác. Dự kiến sẽ được trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua vào kỳ họp tới.
Theo đó, thành phố sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình hoặc có quyền sử dụng đất trong khu vực tổ chức trông giữ xe nhưng phải đảm bảo về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, thành phố cũng đề xuất thay đổi phí trông xe chuyển sang cơ chế giá dịch vụ trông xe để khuyến khích đầu tư bởi hoạt động trông giữ xe hiện nay thực hiện theo cơ chế thu phí.
Với cơ chế này, các tổ chức cá nhân thực hiện việc trông giữ xe gặp nhiều khó khăn trong công tác hạch toán kinh doanh. Đầu tư nhiêu, hiệu quả kinh tế mang lại không đủ hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thì: “Trông giữ xe là một loại dịch vụ mà doanh nghiệp cũng rất muốn đầu tư, người dân có nhu cầu và sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ tốt. Cơ chế quản lý phù hợp thì người ta mới dám đầu tư.”
Tới đây, nếu Dự thảo được thông qua và triển khai, nhà đầu tư bãi đỗ xe, bến xe tĩnh hoặc chuyển đổi nhà thương mại thành bãi đỗ xe sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi về vay vốn, thuế, đầu tư hạ tầng…
Doanh nghiệp được quyền quyết định giá vé tại các điểm, bãi đỗ xe do mình đầu tư là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vé cần sự quản lý của cơ quan quản lý nhằm khống chế giá trần, giá khung để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Có vậy, mối hài hòa lợi ích giữa người tiêu dung và nhà đầu tư mới được đảm bảo lâu dài được.
Sơn Bình