Chiều 7/11, tiếp tục chương trình chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trong báo cáo số 508 ngày 3/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại trang 54 có tự đánh giá tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy theo Bộ trưởng, có những nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và hướng khắc phục thật căn cơ của Bộ trong thời gian tới như thế nào?.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó có 800 học sinh nữ.
“Diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ với con số trên, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Số học sinh nữ liên quan tới bạo lực học đường cũng khiến ngành giáo dục quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để xử lý”, Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ phía ngành giáo dục. Trách nhiệm trong phát hiện, xử lý các tình huống bạo lực đang giao cho các giáo viên. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm cả nhiệm vụ tư vấn tâm lý. Bởi vậy, khi phát hiện ra vấn đề bạo lực học được, các hiệu trưởng, giáo viên còn có phần lúng túng trong xử lý.
Thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, hàng năm với 220.000 vụ ly hôn, hầu như có từ 70 – 80% trường hợp liên quan tới bạo lực gia đình. Học sinh có thể là người chứng kiến, bị bạo lực gia đình hoặc bị bỏ rơi. Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan tới bạo lực trong nhà trường có tỉ lệ lớn.
Ngoài ra, bên cạnh những vấn đề trên còn có sự ảnh hưởng của mạng xã hội, của phim ảnh, nhất là các phim quốc tế mà giới trẻ quan tâm thì mô típ bạo lực tập thể quay lên mạng rất phổ biến.
"Cần chung tay để ngăn chặn vấn đề bạo lực gia đình, nhằm hạn chế tác động tới tinh thần, nhận thức của trẻ. Riêng ngành giáo dục đang nỗ lực, quyết tâm trang bị cho học sinh về kiến thức và kỹ năng trong văn hóa học đường. Trong đó việc nâng cao kiến thức bảo vệ bản thân, không bắt nạt bạn bè cũng được giáo viên tuyên truyền tới học sinh; lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin.