Theo công văn số 306/ĐTCBL-DD1 của Tổng Cục Hải quan ục Điều tra chống buôn lậu, ngày 12/02/2020, tại khu vực giám sát Hải quan thuộc cửa khẩu Sóc Giang, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang, Công ty TNHH IAS-8 Việt Nam tiến hành nhận diện, giám định lô hàng rượu của Công ty TNHH Tuấn Minh.
Theo đó, lô hàng rượu này được chứa trong một xe container với số lượng là 8.484 chai rượu ngoại, gồm 4.320 chai rượu Remy Martin VSOP; 564 chai Hennessy XO, 1.200 chai Hennessy VSOP; 2.280 chai Martell VSOP, 120 chai Camus VSOP.
Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện các thùng rượu có dấu hiệu bị xé thông tin in ngoài vỏ thùng, ngoài ra, qua nhận diện ban đầu, cơ quan chức năng nhận thấy số rượu trên có dấu hiệu làm giả.
Được biết, lô hàng rượu ngoại này đã làm thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải Quan Chi Ma tỉnh Lạng Sơn và được vận chuyển đến Chi Cục hải quan cửa khẩu Sóc Giang Cao Bằng để tái xuất.
Công văn số 306/ĐTCBL-Đ1 gửi Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng |
Trước tình hình trên, ngày 13/3/2020, Tổng cục Hải quan Cục điều tra Chống buôn lậu đã có công văn số 306/ĐTCBL-Đ1 gửi Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng xử lý lô hàng rượu của công ty Tấn Minh.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng trời, kết quả kiểm tra lô hàng hơn 8 nghìn chai rượu ngoại của Công ty TNHH Tuấn Minh chỉ phát hiện đúng một hành vi vi phạm hành chính duy nhất đó là "khai không đúng số lượng thực tế hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài" và chỉ bị xử phạt 10 triệu đồng với hành vi này.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến tháng 6/2020, Công ty TNHH Tuấn Minh đã thực hiện nộp tiền phạt vi phạm hành chính, nhưng lô hàng này vẫn nằm im tại cửa khẩu.
Tại điều 13, Nghị định số 69/2018 quy định một số điều luật của Luật Quản lý ngoại thương nêu rõ: Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập.
Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế. Trong khi đó, lô hàng rượu của Công ty Tuấn Minh đã lưu lại cửa khẩu trong hơn nửa năm chưa được xuất ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Trước sự việc trên, ngày 7/7/2020, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang, tỉnh Cao Bằng yêu cầu Chi cục cung cấp thông tin liên quan đến xuất xứ lô rượu nói trên và hợp đồng mua bán của công ty Tuấn Minh với Trung Quốc, cũng như lí do vì sao lô hàng này cho đến nay vẫn chưa được thông quan, tuy nhiên đơn vị này không cung cấp bất cứ giấy tờ nào liên quan.
Người tiêu dùng, khách hàng của Hennessy cũng đặt ra câu hỏi, lô rượu trên có phải là rượu giả hay rượu thật? Hennessy sẽ có hướng xử lý ra sao đối với lô rượu này?
Trước những câu hỏi chưa có lời giải đáp, Cục Hải quan Cao Bằng chưa có bất cứ phản hồi thông tin nào.