Hơn 80 con người là hơn 80 gia đình, họ chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương và một số tỉnh thành lân cận khác.
Theo phản ánh của người lao động nơi đây, Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà Việt Đức không trả tiền công lao động cho đội thi công xây dựng công trình đúng tiến độ và hợp đồng cam kết khiến hơn 80 người lao động chịu cảnh xa nhà dịp quốc khánh, không kịp báo hiếu nhân ngày Vu lan. Tất cả họ đều thuộc 5 tổ đội thi công công trình biệt thự liền kề tại KĐT Đô Nghĩa của chủ đầu tư Tập đoàn Nam Cường.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cường, 52 tuổi (quê Phú Thọ) không dấu được vẻ mặt tiếc nuối khi không thể về quê.
Ông cho biết: “Những ngày này phải ở lại đây rất khổ tâm, chỉ vì không có tiền. Bản thân tôi có 4 đứa cháu ngoại, về đến nhà mà không có đồng quà tấm bánh cho các cháu thì ngại, tôi cảm thấy thẹn. Chưa nói đến việc gia đình cũng rất khó khăn”.
Bà Nguyễn Hoài Linh, 44 tuổi, đại diện cho hơn 80 công nhân cho hay, điều kiện hoàn cảnh anh em công nhân hầu hết ở xa, tiền nong thì không có, anh em không về quê được.
Đại diện cho các anh em công nhân, trong 5 tổ đội, yêu cầu cơ quan về những phần đã nghiệm thu thanh toán tiền công cho chúng tôi, để chúng tôi có tiền trang trải công lương cho anh em. Có những người ở xa, người ốm, người đau, có người thì vợ sinh con đẻ cái muốn về quê mà không về được chỉ vì không được trả lương.
“Khi công ty bị ép tiến độ, thì anh em công nhân không quản ngày mưa, nắng làm hết mình để đẩy tiến độ lên. Đến khi xong công việc rồi, những phần đã nghiệm thu tại sao lại không chi trả, không thanh toán cho công nhân”, Bà Linh cho biết thêm.
Ông Lê Anh Vũ, công nhân lao động quê ở Hưng Yên |
Ông Vũ, 57 tuổi, công nhân lao động quê ở Hưng Yên cho biết, “bây giờ kinh tế rất khó khăn, cơm còn phải ăn chịu, nợ hơn 6 triệu rồi và giờ người ta không cho ăn nợ nữa vì chưa trả được tiền cũ”.
Chủ quán cơm Quỳnh Hương, nơi các công nhân thường xuyên ghé đến ăn và xin nợ cho biết, công nhân bên đấy tội lắm chẳng có tiền để về quê, tôi cũng mong chờ anh em có tiền, gửi tiền cơm lại cho tôi dịp lễ này, nhưng trên có gửi tiền lương xuống cho anh em đâu.
"Tôi cũng có tiền đâu mà về, anh em công nhân không có tiền trả, ở nhà thì bố mẹ, con cái mong. Công nhân ăn nợ 2 tháng rồi, có tiền trả đâu", chủ quán cơm này cho biết.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.