Tính đến hết ngày 31/12/2011, cả nước có 622.977 doanh nghiệp, trong đó đã giải thể 79.014 doanh nghiệp. Đó là một trong nội dung được công bố tại lễ Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2011 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 14/3.
Theo báo cáo cho biết, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập và còn tồn tại về mặt pháp lý đến thời điểm 31/12/2012 ở Việt Nam là 622.977 doanh nghiệp. Tính riêng năm 2011, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng. Tuy số lượng doanh nghiệp đăng ký đã vượt qua con số 600 nghìn doanh nghiệp, nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng trên 290 nghìn doanh nghiệp.
Năm 2011 là một năm khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã chậm lại so với năm 2010, GDP đạt 5,89%. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, lãi suất đã bắt đầu giảm xuống nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, thậm chí bị thua lỗ.
Ảnh minh họa. |
Trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Trong đó, giải thể 5.803 doanh nghiệp, ngừng hoạt động là 11.421 và 31.477 doanh nghiệp đã dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. Tính cả năm 2011, cả nước có 77.548 doanh nghiệp thành lập mới thì 7.611 đơn vị đã giải thể.
Như vậy, tính hết năm 2011, tổng doanh nghiệp đã giải thể là 79.014 doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân đã giải thể 2.082 doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên là 16.748 doanh nghiệp, công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 18.826 doanh nghiệp. Nhiều nhất là số công ty cổ phần với 41.357 doanh nghiệp, ít nhất là công ty hợp danh với chỉ một doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI lý giải về việc giải thể hoặc ngừng hoạt động của các doanh nghiệp là do kinh tế Việt Nam và thế giới không thuận lợi; chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao... Số lượng lớn các doanh nghiệp chỉ đăng ký ngừng hoạt động và tạm dừng. Và các doanh nghiệp này chờ thời cơ, điều kiện khả quan để có thể tiếp tục phát triển.
Theo bà Hằng, mặc dù các điều kiện sản xuất kinh doanh của quý I/2012 được dự báo có xu hướng giảm hơn so với quý IV/2011, nhưng vẫn có 32% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2012, 52% doanh nghiệp quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, 15% doanh nghiệp có thể giảm quy mô kinh doanh và chỉ có 1% doanh nghiệp dẫn đến đóng cửa. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp quyết định có thể mở rộng sản xuất kinh doanh vào năm 2012 là do doanh nghiệp tin tưởng vào sự tăng trưởng của cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, tiếp đến là nguyên nhân ưu đãi thuế và sự cải thiện cơ sở hạ tầng.
Trước đó, ngày 13/3, Ngân hàng nhà nước đã giảm lãi suất cho vay xuống 13%. Đây là một dấu hiệu khả quan, dự báo tương lai sáng sủa hơn cho các doanh nghiệp và kỳ vọng rằng số lượng giải thể năm 2012 sẽ ít hơn.
Theo VEF