Thai phụ thoải mái khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19
Theo BSCKII Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa Phụ Sản 1, BV Thanh Nhàn cho biết, trong 2 ngày 11/9 và 12/9, BV Thanh Nhàn sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 1.020 thai phụ, đến từ quận Hoàng Mai của Hà Nội. Trong quá trình tiêm, những người đến tiêm được chia thành 2 ngày, ngày hôm nay có 520 người được tiêm và ngày mai có 500 người.
Theo đó, khi các thai phụ đến tiêm tại bệnh viện, phía phường sẽ lập danh sách của các thai phụ đưa đến bệnh viện và được hẹn giờ đối với người đến tiêm để tránh tình trạng ùn ứ, tập trung đông người.
Thai phụ ngồi chờ khám siêu âm thai nhi trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Đức Hiệp |
Ngồi chờ tại phòng khám siêu âm trước tiêm chủng, chị Trịnh Thị Thu, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thai 33 tuần chia sẻ: “Trước khi đến tiêm tôi có tìm hiểu thông tin, Bộ Y tế có khuyến cáo phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên tiêm vaccine ngừa COVID-19, vì vậy tôi có đăng ký tiêm với tổ dân phố, hôm nay có lịch hẹn nên tôi đến tiêm.
Trước khi đi tôi cũng đã được tư vấn ăn uống đầy đủ, uống nước cam, nước dừa, nghỉ ngơi sau khi đi tiêm về. Trước khi đi tiêm tôi cũng có lo lắng, băn khoăn, tuy nhiên sau khi tìm hiểu thông tin được Bộ Y tế khuyến cáo tôi cũng đã yên tâm hơn”.
Theo Y tá trưởng Khoa sản 2 - Hoàng Thị Thủy, BV Thanh Nhàn cho biết: “Tất cả các bệnh nhân khi đến khám, quản lý thai tại BV để đi tiêm thì bao giờ chúng tôi cũng có số điện thoại của bệnh viện để sản phụ có thể hỏi trực tiếp những thắc mắc, thì các bác sĩ của BV sẽ tư vấn, giải đáp thắc mắc.
Có một số sản phụ, khi đến bệnh viện khám sàng lọc trước tiêm cũng lo lắng, chúng tôi giải thích, tư vấn cho các sản phụ, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vì vậy sản phụ nên tiêm để được bảo vệ”.
Thai phụ được khám siêu âm thai nhi trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Đức Hiệp |
Là một trong những thai phụ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong sáng nay, chị Trịnh Quế Anh, tổ 1, Đại Kim, Hoàng Mai nói: “Tôi mang bầu tuần 22. Trước khi đi tiêm tôi đã tìm hiểu rất nhiều về vaccine ngừa COVID-19. Mới đầu tôi cũng có chút băn khoăn và lo lắng, tuy nhiên qua tìm hiểu và được các bác sĩ tư vấn, tôi đã quyết định tiêm để an toàn cho cả mẹ và con. Khi tôi đến đây được các bác sĩ khám sàng lọc, hướng dẫn, tiêm chủng rất nhiệt tình.
Sau tiêm gần 30 phút tôi cảm thấy rất thoải mái, bình thường và tôi không có lo lắng gì cả. Sau tiêm các bác sĩ hướng dẫn nếu có hiện tượng sốt trên 38 độ sẽ uống hạ sốt, ngoài ra những biểu hiện như đau đầu… là những biểu hiện bình thường. Nếu sốt lâu ngày thì cần đến bệnh viện để thăm khám ngay”.
Chị Trịnh Quế Anh, tổ 1, Đại Kim, Hoàng Mai, một trong những thai phụ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong sáng nay. Ảnh: Đức Hiệp |
Ngồi chờ vợ tiêm vaccine ngừa COVID-19, anh Nguyễn Mạnh Linh, tổ 13, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Vợ tôi mang thai 25 tuần. Trước khi đăng ký tiêm vaccine cho vợ tôi cũng đã tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông, báo chí tôi thấy khá yên tâm. Giai đoạn này vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, vì vậy được đi tiêm thì nên tiêm để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ có thai. Bởi đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc COVID-19 rất nguy hiểm, vì vậy khi được trung tâm y tế phường thông báo lịch tiêm nên vợ chồng tôi đi tiêm”.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi nên tiêm vaccine ngừa COVID-19
Theo bác sĩ Trần Quyết Thắng, riêng bà bầu luôn được khuyến cáo là thai trên 13 tuần tuổi mới được tiêm vaccine, hiện tại tất các bà bầu đến tiêm đều có thai trên 13 tuần tuổi và khi đến BV đều được thăm khám, sàng lọc trước khi tiêm. Khám toàn trạng của sản phụ, khám siêu âm sàng lọc cho thai nhi. Sau đó bệnh nhân được đưa vào khu khám sàng lọc, sau đó được tiêm tại phòng tiêm của bệnh viện.
Bác sĩ Thắng cũng cho biết thêm, đối với những người mang bầu, hệ thống miễn dịch có thể bị ảnh hưởng rất nhiều, có thể bị suy giảm miễn dịch, khi mắc COVID-19 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những người khác, vì vậy khuyến cáo tiêm vaccine càng sớm càng tốt đối với những người mẹ mang thai trên 13 tuần tuổi, tiêm vaccine không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
BSCKII Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa Phụ Sản 1, BV Thanh Nhàn. Ảnh: Ngọc Nga |
“Theo dõi sau tiêm đối với những trường hợp là người mang thai cũng giống như những người bình thường, nhưng đối với BV chúng tôi sẽ theo dõi 1 tiếng sau tiêm tại bệnh viện để có thể theo dõi được những bất thường sau tiêm (nếu có) của sản phụ và thai nhi trong bụng mẹ.
Khuyến cáo cho những bà mẹ sau khi tiêm trở về nhà cần tự theo dõi tại nhà, nếu có dấu hiệu bất thường như: thai đạp ít, đạp nhiều hoặc không đạp, mẹ sốt cao… phải đến viện ngay lập tức để được thăm khám. Thời gian theo dõi ngắn khoảng 7 ngày tại nhà, và ngoài ra phải theo dõi thêm 29 ngày sau tiêm để nắm được cơ thể có xảy ra bất thường gì hay không, để được xử lý kịp thời”, bác sĩ Thắng cho biết.
Ngoài ra, bác sĩ Thắng cũng cho hay: “Với bà bầu dưới 13 tuần hoặc có bệnh lý nền mang tính chất nặng như: đái tháo đường, tăng huyết áp… thì chúng tôi phải điều trị nội khoa để bệnh trở về mức bình thường thì mới tiến hành tiêm vaccine. Ngoài ra, khi siêu âm nếu phát hiện bất thường về tim thai, nước ối thì sẽ trì hoãn tiêm chủng để tiếp tục theo dõi đảm bảo an toàn cho người tiêm và thai nhi trong bụng mẹ”.
Hơn 500 thai phụ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong sáng nay (11/9) tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: Đức Hiệp |
“Trừ vaccine Spunik V chống chỉ định tiêm cho phụ nữ mang thai thì tất cả những vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam đều có thể tiêm cho các bà bầu. Vì vậy, các bà bầu có thể yên tâm và không nên lựa chọn vaccine”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.