Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, cho biết, ngày 26/1 đến 30/1/2024, Trung tâm được Sở Lao động-Thương binh và xã hội Hà Tĩnh giao làm đầu mối tiếp nhận đăng ký dự thi.
Sau 5 ngày đã có 3.513 người đăng ký dự thi tuyển sang Hàn Quốc lao động. Ảnh: CTV |
Đến 30/1/2024 chốt số lượng, Hà Tĩnh có 3.513 thí sinh đăng ký thi tuyển, trong khi các năm trước trung bình chỉ khoảng hơn 1.000 người.
Theo lý giải của bà Hương, số lượng tăng đột biến là do trước đây huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên phải dừng tuyển chương trình EPS, vì trước đó những địa phương này có trên 70 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn, trên 27% lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Năm nay các địa phương này đã giảm được tỷ lệ cư trú bất hợp pháp dưới mức cam kết nên hai nước Việt - Hàn cùng thống nhất mở lại dự tuyển.
Chị Nguyễn Thị Phương ở huyện Nghi Xuân cho biết: "Nhiều năm qua người dân có hộ khẩu trên địa bàn huyện Nghi Xuân không được làm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sang Hàn Quốc làm việc. Năm nay phía Hàn Quốc và Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm nên tôi và nhiều người vui mừng làm hồ sơ dự thi tuyển. Ngày đầu tiên có lịch tiếp nhận hồ sơ, tôi đã bắt xe vào thành phố Hà Tĩnh để đăng ký".
Cũng theo chị Phương, sang Hàn Quốc làm việc, người lao động thu nhập thấp nhất cũng được 30-60 triệu đồng/ tháng.
Kỳ thi EPS năm nay dự kiến diễn ra từ tháng 4 trong cả nước, lấy khoảng 15.374 lao động; trong đó ngành sản xuất chế tạo 11.246 người, ngành xây dựng 200 người, ngành nông nghiệp 895 người, ngành ngư nghiệp 3.033 người.
Riêng ngành nông, ngư nghiệp lấy lao động là người dân tộc thiểu số, thường trú tại một trong 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Chương trình EPS có đặc thù là chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chọn lao động dựa trên hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên mà không chỉ định, không ai tác động được tới quy trình ký kết hợp đồng. Lao động vì thế vượt qua hai vòng thi, nộp xong hồ sơ cũng không chắc chắn sẽ được chọn đi Hàn, không biết trước thời gian xuất cảnh.