* Lập 5 đoàn công tác sang các nước gần Libya để đưa lao động còn lại về nước
Tính đến 19 giờ tối qua 26.2, đã có gần 300 lao động VN từ Libya trở về nhà an toàn. Cùng ngày, Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề công dân VN ở Trung Đông và Bắc Phi đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.
5.500 người đã sơ tán khỏi Libya
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đến ngày 26.2 có 185 lao động đã về VN an toàn và 5.500 lao động đã và đang được sơ tán khỏi Libya sang nước thứ ba để tiếp tục đưa về VN. Khoảng 2.788 lao động đã rời Libya, trong đó có 750 lao động được đưa sang Ai Cập; 77 lao động được đưa sang Tunisia; 400 lao động được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ; 242 lao động được đưa sang Malta và đông nhất là Hy Lạp 1.319. Ngoài ra, còn khoảng 600 người đang ở biên giới Libya và Tunisia chờ nhập cảnh.
|
Trước đó, chuyến bay mang số hiệu SHJ1655 của hãng Hàng không Bồ Đào Nha chở 181 lao động Việt Nam, trong đó có 176 lao động của Công ty Vinaconex MEC JSC và 5 lao động của Công ty Glo-tech JSC đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trễ hơn so với dự định 1 ngày. Ngoài ra, còn 4 lao động của Công ty Sona cũng đã về Nội Bài trong buổi sáng.
Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết chuyến bay sau đó dự kiến sẽ về Hà Nội trưa 26.2, song đến 19 giờ tối qua vẫn chưa thể cất cánh từ Hy Lạp. Nguyên nhân, theo ông Hải là có thể chưa mở được đường bay. Ông Hải thông tin, 17 người của Công ty Sona và 106 lao động của Lilama chắc chắn trên đường về VN tối qua.
Ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Sona, cho hay đến hôm qua Sona đã và đang đưa 1.329 lao động di chuyển khỏi Libya (chiếm 60% tổng số lao động do công ty đưa đi đang làm việc tại Libya), trong đó 100 lao động đang ở Ai Cập và đã có vé máy bay về VN, 26 lao động đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, 440 lao động ở Malta; 41 lao động đang trên đường sang Ai Cập bằng đường bộ, 719 lao động sang Malta bằng đường thủy… Ngày hôm qua, 4 lao động của Sona đã về nước. Dự kiến, sáng nay, 85 lao động do Công ty Sona đưa đi đang ở Ai Cập sẽ về đến VN.
Với những lao động đã trở về, ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Vinaconexmec, cho biết công ty đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người làm lộ phí về quê. Công ty Glo-Tech hỗ trợ lao động 500.000 đồng/người. Theo ông Đào Công Hải, sau khi về gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi và ổn định tinh thần, nếu lao động nào có nguyện vọng tiếp tục đi lao động ở nước khác sẽ được tạo mọi điều kiện.
Tìm mọi cách để đưa lao động về nước
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 29 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đưa lao động VN đang làm việc tại Libya về nước, trong đó có việc chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ người lao động về nước với mức 1 triệu đồng/người. Sau khi người lao động về nước, Bộ căn cứ các quy định liên quan và tình hình thực tế để giải quyết hỗ trợ cho người lao động. Bảo Cầm |
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề công dân VN ở Trung Đông và Bắc phi, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban chỉ đạo đã quyết định trong đêm 28.2 sẽ đưa 2 máy bay của Vietnam Airlines sang các nước láng giềng của Libya đón lao động VN về nước. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Dự định ban đầu máy bay sẽ sang Cairo (Ai Cập). Tuy nhiên, tại Ai Cập, các đối tác đã mua vé cho các lao động bay về VN trong vài ngày tới, do đó Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục nắm thêm thông tin, nơi nào có tập kết đủ lao động sẽ sang đón về. Địa điểm dự kiến có thể là Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Hy Lạp". Bà Ngân khẳng định, Chính phủ VN quyết tâm tìm mọi cách đưa công dân của mình trở về an toàn, nếu máy bay của VNA không đủ sức chứa sẽ tính đến phương án thuê máy bay nước ngoài.
Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo quyết định thành lập 5 đoàn công tác gồm đại diện các bộ, ngành và doanh nghiệp sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Tunisia, Hy Lạp và Malta để phối hợp với cơ quan đại diện đón, làm các thủ tục cần thiết và tổ chức cho người lao động về nước. Đặc biệt, sẽ có một Ban chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm trưởng ban. Ban chỉ huy tiền phương sẽ đóng tại Tunisia, nước láng giềng của Libya - nơi không có đại sứ quán VN - để kịp thời giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình di tản lao động VN về nước. Bên cạnh đó, 4 nhóm khác sẽ lên đường sang các nước còn lại để trực tiếp điều phối việc di tản lao động VN về nước.
Bộ Ngoại giao cũng đã có công hàm gửi các nước láng giềng của Libya tại Hà Nội, đề nghị tiếp nhận hoặc cho phép người lao động được lên các phương tiện vận tải của nước họ để rời khỏi Libya.
Trong khi chờ đợi sự "giải cứu" từ trong nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tổ chức di dân quốc tế (IOM) đã chi 90 triệu USD để làm nhà tạm nhằm bảo vệ lao động nước ngoài tại Libya, trong đó có các lao động VN.
Theo thanhnien.com.vn