Cụ thể, bệnh nhân Phan Hữu N. mắc bệnh “Thiếu yếu tố VIII di truyền” điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), có mã số BHYT: BT286862162xxx. Trong quá trình điều trị, năm 2017, tổng số tiền điều trị bệnh nhân Phan Hữu N được quỹ BHYT thanh toán là hơn 4,5 tỷ đồng; năm 2018 tăng lên trên 7 tỷ đồng và 5 tháng năm 2019 gần 1,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền điều trị bệnh nhân này đã được quỹ BHYT thanh toán từ năm 2017 đến tháng 5/2019 là hơn 12,9 tỷ đồng.
Được biết, bệnh “thiếu yếu tố VIII di truyền” là bệnh Hemophilia nhóm A. Biểu hiện bệnh chủ yếu là xuất huyết. Xuất huyết có thể xảy ra sớm từ thời sơ sinh, thường tụ máu dưới da đầu, chảy máu nội sọ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai - Trưởng Trung tâm điều trị Hemophilia (Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) - cho biết: Bệnh Hemophilia là một rối loạn của hệ thống đông máu, gây chảy máu kéo dài và theo người bệnh suốt đời. Điều trị hemophilia phải dài ngày và chi phí rất tốn kém, trung bình khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng có thể lên tới hàng tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đây là số tiền không hề nhỏ với cả những người không nghèo.
Trong khi đó, anh Phan Hữu N. lại là đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm đối tượng khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng (BT). Do đó, chính sách BHYT đã trở nên có giá trị và là chỗ dựa to lớn, tiếp sức cùng anh chống chọi với bệnh tật.
Ngoài trường hợp anh Phan Hữu N, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỷ đồng. Đơn cử như: Bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên; 4,8 tỷ đồng); Quách Thị Hoài A. (Bình Định; 2,6 tỷ đồng); Nguyễn Trường S. (TP Hồ Chí Minh; 2,4 tỷ đồng); Bùi Văn T. (Hà Nam; 1,8 tỷ đồng); Lê Văn Q. (Khánh Hoà; 1,4 tỷ đồng) và Phan Khắc H. (Hà Nội; 1,2 tỷ đồng)…
Cũng theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin Giám định BHYT của ngành BHXH, 5 tháng đầu năm 2019 có tổng cộng 68,57 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 37.688,65 tỷ đồng. Trong đó có: 62,41 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 14.786,35 tỷ đồng;
6,16 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 22.902,3 tỷ đồng, cụ thể gồm: 1.839 lượt KCB nội trú, chi phí từ 200-500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú; 97 lượt KCB nội trú, chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú, trong đó có 12 bệnh nhân chi phí cho BHYT trên 01 tỷ đồng/đợt điều trị.
Qua những trường hợp trên có thể thấy, với số tiền mua thẻ BHYT 750.600 đồng/năm nhưng khi chẳng may ốm đau, bệnh tật người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả tiền khám chữa bệnh lớn hơn gấp nhiều lần từ sự chia sẻ của cộng đồng qua chính sách này. Vì vậy, tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người bảo vệ sức khoẻ, kinh tế của bản thân và gia đình mình.