Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, môn Hóa, sáng qua, các sĩ tử khối A đã tất tả ra các bến xe, nhà ga để về quê. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, sau 3 môn thi, toàn quốc có 126 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật và 4 cán bộ bị xử lí kỉ luật đình chỉ.
Thở phào sau kì thi |
Lỗ cũng ráng... chịu
Đúng như dự đoán, đề thi môn Hóa - môn thi cuối cùng của khối A - đã “dễ thở” hơn cả trong số 3 môn thi. Hoàn thành đợt 1 kì thi, nhiều sĩ tử không quan tâm đến kết quả vì họ chỉ coi đây là đợt thi thử tập dượt cho đợt 2 với các khối B, D. Bởi thế, câu chuyện bù lỗ và thí sinh “ảo” (đăng ký nhưng không dự thi) vẫn chưa có hồi kết.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ thí sinh dự thi/số đăng kí dự thi như sau: Môn Toán đạt tỷ lệ 76,92%, môn Vật lí (76,34%), môn Hóa đạt (76,10%). Tỷ lệ thí sinh dự thi đợt I, khối A năm 2011 cao hơn 1,1% so với năm 2010. Như vậy, tỷ lệ thí sinh “ảo” vẫn chiếm khoảng 30%.
Bà Nguyễn Thi Tĩnh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện tượng thí sinh “ảo” gây khó khăn không nhỏ cho các trường bởi lẽ không ai dám tự ý cắt giảm số lượng thí sinh vì nếu các em tới đủ thì sẽ trở tay không kịp. Thế nên, nhiều trường đã phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng kinh phí tổ chức thi.
Ông Vũ Quang Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết, trường có thí sinh đăng kí càng đông, càng phải bù lỗ nhiều. Năm 2010, ĐH Công đoàn đã phải bù tới trên 700 triệu đồng. Trong khi đó, năm nay các chi phí đều đắt đỏ hơn. Đơn cử như phòng thi năm ngoái nhà trường thuê với mức 200.000- 250.000 đồng/phòng thì năm nay con số đó tăng vọt lên mức 350.000-450.000 đồng/phòng.
Ông Đoàn Văn Vệ - Thư ký Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhà trường đã gắng co kéo, tiết kiệm chi phí bằng cách tăng cường rà soát nhằm giảm hồ sơ “ảo”. Cụ thể, nhà trường đã loại được 2.000 hồ sơ có trùng họ tên, ngày tháng năm sinh do những thí sinh này nộp 2 bộ hồ sơ vào trường.
Mỗi thí sinh thuộc diện này sẽ chỉ được nhà trường xác nhận cho một số báo danh, trước ngày thi, các em sẽ lựa chọn ngành thi cuối cùng. Như vậy, trường đã tiết kiệm được 200-300 triệu đồng tiền thuê phòng. Đối với các thí sinh có trùng họ tên, ngày tháng năm sinh nhưng khác số chứng minh thư, nhà trường tách các trường hợp này ra các phòng thi khác nhau để tránh thi hộ, thi kèm. Theo ông Vệ, năm nay ngành Công nghệ sinh học vẫn có lượng hồ sơ ĐKDT đông đảo nhất với 3.000 bộ, trong khi chỉ có 100 chỉ tiêu.
Kết thúc đợt 1 kỳ thi ĐH-CĐ 2011, bà Nguyễn Thi Tĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tuyển sinh như hiện nay quá rắc rối và nặng nề, do đó Bộ GD&ĐT nên giao lại công việc này cho các trường. Những trường chưa tự tổ chức thi được có thể thi chung theo cụm do Bộ tổ chức. Nếu các trường tuyển sinh riêng, lệ phí thi thật cao thì thí sinh sẽ cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ, còn như hiện nay, thí sinh có thể nộp hồ sơ quá thoải mái và các trường phải è lưng ra bù lỗ cho cái sự “thoải mái” đó.
Đề thi có tính phân hóa cao
Trở lại với buổi thi môn Hóa, mặc dù đây là môn thi cuối cùng của khối A nhưng vẫn có hàng chục thí sinh vi phạm quy chế thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Thậm chí, có thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Điện lực hồn nhiên mang điện thoại ra nhắn tin ngay trong giờ thi. Cũng tại điểm thi Trường ĐH Điện lực, trước khi thu bài môn Hóa, một thí sinh đã bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi dù điện thoại đang ở chế độ tắt. Như vậy, kết thúc đợt thi này, Trường ĐH Điện lực có 3 thí sinh vi phạm quy chế đều lỗi mang điện thoại di động vào phòng thi. Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ cũng cho biết, trong buổi thi môn Hóa, có 2 thí sinh đã bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi.
Đánh giá chung về đợt thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đề thi đã được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12; đề thi không có sai sót cả về nội dung và hình thức. Theo đánh giá chung, đề thi 3 môn thi khối A có khả năng phân loại tốt.
Về tình hình xử lý vi phạm Quy chế tuyển sinh: Trong cả 3 buổi thi đợt I, khối A, toàn quốc có 126 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 33; cảnh cáo 10; đình chỉ 80 và 3 thí sinh đến muộn không được dự thi) và 4 cán bộ bị xử lí kỉ luật đình chỉ.
“Nhìn chung, đợt 1 thi ĐH khối A và V đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Các đại học, học viện và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh, tổ chức tập huấn và phổ biến đầy đủ qui định của Quy chế thi cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Công tác coi được tăng cường, kỷ luật trường thi được xiết chặt, các hiện tượng vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc” - Thứ trưởng Ga khẳng định.
Trong các ngày 8, 9 và 10/7 tới, sĩ tử các khối B, C, D và các khối thi năng khiếu sẽ tiếp tục vượt “vũ môn”.
Đảm bảo quyền lợi thí sinh Sáng qua - 5/7, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án xử lý sự cố tại phòng thi 41 điểm thi Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật thông tin. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, nhận được báo cáo của Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng về buổi thi môn Toán tại phòng thi số 41 vào Học Viện Hậu cần, tại điểm thi trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin năm 2011, Bộ GD&ĐT có ý kiến sau: Việc 2 cán bộ coi thi tại phòng thi số 41 của Điểm thi trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin thu lại bài làm của thí sinh sau 120 phút làm bài và phát giấy thi mới để thí sinh chép lại bài thi do cán bộ coi thi ký nhầm vào ô ký của cán bộ chấm thi trên giấy thi là vi phạm Quy chế tuyển sinh. Giao Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin thông báo công khai ngay sau khi kết thúc buổi thi môn Hóa sáng ngày 5/7 để các thi sinh lựa chọn và đăng ký một trong hai phương án sau: Giữ nguyên bài thi cũ đã chép lại. Kết quả môn thi sẽ được nhân hệ số 1,3 kết quả bài thi thực tế của thí sinh. Điểm tối đa của bài thi là 10,0 điểm. Thi lại môn Toán bằng đề thi dự bị trong buổi chiều ngày 5/7/2011. |
Uyên Na