Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hà Tĩnh, trên địa bàn thôn Phúc Thanh (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt người dân bị viêm da dị ứng nghi do côn trùng đốt.
Cách đây 2 tuần, gia đình chị L.T.L thôn Phúc Thanh và 5 thành viên trong nhà đã bị một loại côn trùng đốt gây sẩn, ngứa, gãi xây xát da, lúc đầu chỉ vùng da hở như: vùng tay, chân, sau đó lan toàn cơ thể; gia đình đã đi khám điều trị nhiều nơi không đỡ. Nhiều người dân trên địa bàn cũng có biểu hiện tương tự.
Theo điều tra sơ bộ, hiện có 46 hộ gia đình với 126 người dân có biểu hiện: sẩn huyết thanh chính giữa có vết đốt, vết xước da, sẹo thâm da do cào gãi, chà xát tập trung nhiều ở vùng da hở cẳng tay, cẳng chân; xung quanh cạp quần; nhiều người dân xuất hiện toàn cơ thể.
Cơ quan chuyên môn đã điều tra, giám sát và phát hiện vô số côn trùng bay, bám vào đồ dùng, vật dụng của người dân; bám vào gia súc, gia cầm, quần áo, da của người dân để cắn đốt.
Đặc điểm của loài côn trùng này là màu nâu đỏ, thân hình nhỏ như hạt gạo, có 6 chân, 2 chân sau dài, có cánh bay được, bám đậu khắp nơi kể cả trong nhà lẫn ngoài sân, vườn, bám vào động, vật, người để cắn đốt. Loài côn trùng này chưa rõ loại gì.
Lực lượng chức năng đã tiến hành bắt côn trùng, xác định loại và triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật để tiêu diệt côn trùng, xử lý nguồn bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh – Phó Giám đốc CDC tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua giám sát bước đầu, người dân thôn Phúc Thanh bị viêm da dị ứng do bọ chét đốt. Đơn vị đã tiến hành bắt côn trùng để định loại và tiến hành các bước xác định nguyên nhân và tiếp tục gửi mẫu ra Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương để khẳng định loài.
"Ngành y tế khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không hoang mang lo lắng, tích cực vệ sinh nhà cửa, chăn màn, giường chiếu, sân vườn; thường xuyên mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn che chắn kỹ. Khi có các triệu chứng sẩn ngứa do côn trùng đốt cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị", Phó Giám đốc CDC tỉnh Hà Tĩnh nói.