8 tháng, giải ngân gần 42%
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến ngày 31/8, lũy kế thanh toán vốn ĐTC năm 2021 kiểm soát qua KBNN là 210.780,5 tỷ đồng, bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc KHV kéo dài và KHV 2021 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 505.435,3 tỷ đồng), bằng 37,1% tổng nguồn vốn thuộc KHV kéo dài và KHV 2021 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN.
Lý giải nguyên nhân giải ngân thấp, Bộ Tài chính cho biết, do tác động của dịch Covid- 19, từ đầu năm đến nay tại nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đặc biệt 19 tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 19/7 đến nay và TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7 đến nay,... đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình. Cùng với đó là ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu (sắt, thép) tăng đột biến từ đầu năm đến nay cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Bộ Tài chính cũng lưu ý, việc chưa phân bổ hết số vốn NSNN năm 2021 được giao cũng ảnh hưởng đến giải ngân.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 triển khai khi kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến cuối tháng 7/2021 mới được Quốc hội thông qua, nên nhiều dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 phải chờ kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021.
Bên cạnh đó, KHV năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là (vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia- MTQG) là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước) do hiện nay các Chương trình mới đang trong giai đoạn lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, số KHV năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ chiếm 11,04% kế hoạch giao, nên cũng ảnh hưởng đến triển khai, thực hiện KHV ĐTC năm 2021.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, đặc biệt là song phương, thời gian thẩm định và phê duyệt tài liệu đấu thầu của nhà tài trợ chậm, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài.
Bên cạnh đó, trong tháng 1/2021, thời điểm các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn ĐTC năm 2020 với số vốn khoảng trên 51 nghìn tỷ đồng và làm thủ tục kéo dài KHV năm 2020 sang năm 2021, hơn nữa, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán... nên cũng góp phần ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán KHV năm 2021.
Quyết liệt các giải pháp
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 63/NĐ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đạt 95% -100% kế hoạch giao từ đầu năm, trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Trong đề xuất giải pháp, Bộ Tài chính đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc Chương trình MTQG để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn Chương trình MTQG kế hoạch năm 2021 là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ thực hiện. Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm giao KHV ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện.
Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 7 tháng và ước thực hiện hết tháng 8/2021 cũng cho thấy, các Bộ, ngành và địa phương còn số vốn ĐTC chưa phân bổ là 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021. Do đó, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào KHV giao, khẩn trương phân bổ he số KHV còn lại năm 2021.
Ngoài ra, chỉ đạo chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ thủ tục gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh KHV từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả.