Càng khó khăn, càng nỗ lực
Sau cơn bão số 3, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Sư đoàn 316 đã tỏa ra khắp các địa phương, cùng bà con Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ gây ra. Từ chỉ huy đến chiến sĩ xuyên đêm, băng rừng, vượt núi đến với Nhân dân, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong ký ức của Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng TĐ 98, đêm 10/9/2024 là một đêm trắng. Trước đó, ban ngày, anh chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ giúp dân chống lũ ở Hạ Hòa (Phú Thọ) trong mưa dầm gió lạnh. Bữa tối ăn vội, chưa kịp ngả lưng thì 23h, chuông điện thoại đổ liên hồi. Anh nhấc máy, ở đầu dây bên kia, Sư đoàn trưởng ra chỉ thị: Đơn vị nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, cơ động gấp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ.
Lệnh khẩn được truyền trong đêm từ thủ trưởng TĐ tới từng chiến sĩ. Cả đêm, đơn vị chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, quân trang, các vật dụng cần thiết. Không khí khi đó sục sôi như bước vào trận chiến đấu mới. Lúc 5h, trời vẫn tối mịt, mưa vẫn không ngừng rơi. Những bước chân vội vã, vai đeo ba lô, mọi người choàng áo mưa lên đường. 300 CBCS hành quân làm nhiệm vụ đặc biệt dưới trời mưa tầm tã. Những đoàn xe nối đuôi nhau ôm cua liên tiếp tránh những đoạn sạt lở.
Khi tới Làng Nủ, trước mắt họ là một bình địa tan hoang. Trên mặt đất chỉ còn lại những cọc gỗ, thân tre, mái tôn, xe máy, thùng nước ngổn ngang. Nước vẫn cuồn cuộn chảy thành dòng từ trên cao xuống đục ngầu. Dòng nước lẫn bùn đất, đá đã vùi lấp nhiều nạn nhân. Những người thoát nạn trở về vô vọng tìm người thân, tiếng gào thét ai oán.
Người dân Làng Nủ chia tay CBCS TĐ 98 về đơn vị. (Ảnh: Quang Thiện) |
Chứng kiến cảnh tượng tang thương, Binh nhất Triệu Văn Tiến, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 viết: “Tôi như chết lặng trước đống bùn nhão, cây cối đổ, gãy, dưới lớp bùn sâu là tài sản và những người dân bị nạn vẫn còn nằm lại. Tôi và đồng đội đã động viên nhau càng khó khăn càng phải nỗ lực để tìm kiếm những nạn nhân xấu số”.
Mảnh đất Làng Nủ đã thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người chiến sĩ. Vất vả, hiểm nguy luôn thường trực khi điều kiện địa hình, thời tiết không ủng hộ. Ban ngày trời nắng như rang nhưng đêm xuống lại sầm sập đổ mưa. “Chúng tôi được thủ trưởng giao nhiệm vụ phải tuyệt đối an toàn về mọi mặt, đi đủ về đủ, khi có tín hiệu lập tức cơ động lên cao. Tôi nhớ lần đang tìm kiếm ở dưới thung lũng, bỗng từ phía chân núi sạt lở có tiếng động lớn và nước từ con suối đột nhiên tràn về. Tiếng kẻng vang lên cùng lời hô hoán “nước lũ... nước lũ...”. Chúng tôi lao nhanh lên bờ và may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, Binh nhất Thào A Phử, chiến sĩ Đại đội 8, Tiểu đoàn 8 viết.
Những kỷ niệm xúc động
Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy TĐ 98 đã viết “Ký ức Làng Nủ” không chỉ ghi lại kỷ niệm đau thương mà còn có những khoảnh khắc đẹp đẽ của tình người trong bão lũ.
Bộ đội dầm mình trong bùn tìm kiếm nạn nhân. (Ảnh: Ngọc Thành) |
Vì Nhân dân, có quân nhân đã tạm gác lại hạnh phúc trăm năm để giúp dân sơ tán, di chuyển tài sản do bị ngập lụt. Có quân nhân nhà bị thiệt hại bởi bão, lũ nhưng vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ như Nguyễn Đức Quyến, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, TĐ 98.
Trong quá trình hành quân lên Làng Nủ, đơn vị cơ động qua huyện Trấn Yên (Yên Bái), Quyến bộc bạch với cán bộ: “Nhà em kia, đã bị ngập lên đến nóc rồi”. Cán bộ đơn vị đưa điện thoại để chiến sĩ Quyến gọi về động viên gia đình cố gắng khắc phục khó khăn: “Mẹ và gia đình cố gắng, trên đó bà con cần chúng con hơn, hết nhiệm vụ con về”.
Quân nhân Thào Mí Lình, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, TĐ 98 trong quá trình tìm kiếm nạn nhân dưới bùn sâu bị đinh nhọn đâm vào chân rất nguy hiểm, phải về Bệnh viện Quân y 109 điều trị, trước khi rời đi, chiến sĩ này đã khóc vì không thể tiếp tục cùng đồng đội tìm kiếm nạn nhân.
Thiếu tá Đào Xuân Trình, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật TĐ 98 viết: “Thực hiện nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), nguồn thực phẩm chủ yếu được khai thác tại chỗ. Đến nhiều gia đình tìm mua lợn thịt, tôi nhận được câu trả lời “lũ trôi hết rồi, không có lợn để bán đâu”. Có chị chủ nhà bảo: “Lợn thì gia đình không có, chỉ có một con bò sẵn sàng cho các chú bộ đội, để tôi dắt sang cho các chú thịt”.
Cổ tôi nghẹn lại, cay cay nơi khóe mắt, tôi giải thích: “Bộ đội đã có chế độ, tiêu chuẩn của Quân đội rồi, chị để con bò lại, khi hết lũ lấy kế sinh nhai”.
Hạ sĩ Bàn Văn Lỳ, chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, TĐ 98 kể một câu chuyện xúc động về tình cán - binh: “Khoảng 23h, đang cúi xuống thổi lửa cho cháy to, khi ngẩng đầu lên, tôi giật mình, thì ra Đại đội trưởng đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào. Tôi giải thích: “Em có hai bộ quần áo lót đều ướt hết cả rồi, em hơ cho khô để mặc đi ngủ”. Anh nói đi về gặp anh, trong đầu tôi mường tượng ra những câu khiển trách. Nhưng anh không trách mắng lời nào mà soi đèn mở ba lô lấy ra chiếc quần đùi quân nhu, nói tôi đi ngủ lấy sức mai còn làm việc”.
Là cán bộ được nhắc đến trong câu chuyện của chiến sĩ trẻ, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 bày tỏ: “Trong khó khăn, tình yêu thương đồng đội đến một cách tự nhiên, khi ấy không còn khoảng cách. Đó cũng là nét đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được biểu hiện trong thực tiễn công tác ở đơn vị”.
Những dòng viết về buổi chiều chia tay bà con thực sự xúc động. Những người đàn ông nắm chặt tay bộ đội, các bà, các mẹ ôm vai chiến sĩ rồi khóc. Nước mắt của sự mến thương, cảm phục và biết ơn. Tất cả đều xúc động rưng rưng không nói nên lời.
Binh nhất Vàng Seo Chư, chiến sĩ Trung đội Thông tin, Tiểu đoàn 8 đã viết: “Những chiếc bánh chưng, những gói cơm nắm, chai nước lọc là tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm cho chúng tôi. Trước khi về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt khi bà con dành tình cảm cho mình. Đó là những ký ức khó quên trong đời quân ngũ”.