Bệnh nhân là chị N. T. N, 41 tuổi, được chẩn đoán COVID-19 tại bệnh viện Bình Chánh, sau đó tình trạng hô hấp xấu dầu đã được chuyển lên tuyến trên tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để can thiệp các hồi sức cao cấp.
Tại thời điểm chẩn đoán, chị N đang mang song thai 22 tuần tuổi. Đây là một thai kỳ nguy cơ cao. Vợ chồng chị đã nhiều năm không có con, hai đứa trẻ lần này được đậu thai nhờ quá trình thụ tinh nhân tạo.
Bệnh của chị diễn tiến nhanh, hô hấp bệnh diễn tiến xấu đi nhanh chóng với tổn thương lan tỏa 2 phổi, phải đặt nội khí quản thở máy. Tình trạng hô hấp của bệnh nhân vẫn không đáp ứng với điều trị hồi sức thở máy chiến lược ARDS, khoa Hồi Sức Cấp Cứu Tích Cực Chống Độc Người Lớn đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn toàn khoa và quyết định can thiệp đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân. Bên cạnh hồi sức hô hấp, bệnh nhân được can thiệp lọc máu liên tục hấp phụ, điều trị kháng sinh, kháng đông, kháng viêm tích cực và các hỗ trợ thai khác.
Đây là một trường hợp điều trị đặc biệt khi các bác sĩ ở đây phải vừa kết hợp giữa việc điều trị hồi sức hô hấp cho một bệnh COVID-19 nguy kịch, có đặt nội khí quản, thở máy và ECMO; vừa phải có chiến lược theo dõi và điều trị cho 1 bà mẹ - 2 đứa trẻ.
Các can thiệp thuốc phải được cân nhắc kỹ lưỡng chọn lựa để tốt nhất cho bệnh và không ảnh hưởng đến thai nhi. Suốt quá trình theo dõi, mỗi ngày, đội ngũ y bác sĩ phải vừa gánh công việc của một nhân viên tuyến đầu chuyên khoa nhiễm – hồi sức, vừa phải theo dõi các vấn đề trên thai: siêu âm thai, đếm từng nhịp tim, đo lượng ối...
Chị N được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: BVCC |
Hiểu rõ về sự quan trọng của thai kỳ lần này, các bác sĩ phải tiến hành hội chẩn liên tục với chuyên khoa Sản để can thiệp kịp thời các vấn đề sản khoa cho bệnh nhân. Công cuộc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, vì bệnh nhân cũng trải qua các đợt nhiễm trùng phối hợp, xuất huyết các biến chứng đông máu nội mạch lan tỏa, xuất huyết khó cầm, cân bằng dịch và dinh dưỡng cho 1 mẹ - 2 con.
“Tâm lý liệu pháp là một phần điều trị hết sức quan trọng, mỗi ngày các nhân viên y tế chăm sóc ngoài công việc chuyên môn, phải động viên chị N. liên tục. Bao nhiêu lần chúng tôi phải tâm sự, động viên chị N phải cố gắng tập thở, gọi điện cho chồng chị để chị N nghe giọng chồng, nhắn nhủ với chị rằng chị phải cố gắng vì hai đứa trẻ, vì gia đình. Tất cả những hành động đó giúp cho chị N trở nên an tâm hơn, giảm đau qua các thủ thuật hồi sức, giảm lo lắng căng thẳng trong suốt quá trình điều trị”, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM chia sẻ.
Trải qua hơn 1 tháng điều trị hồi sức tích cực, hiện tại tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã cải thiện. Phổi bệnh nhân cũng dần hồi phục, đã cai và rút được ECMO, sau đó tiếp tục cai dần máy thở. Chị N đang được tích cực điều trị nâng đỡ, tập vật lý trị liệu, đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi.
Trường hợp của chị N, vừa là một thử thách cho các đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng vì rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, những cũng là một sự động viên tinh thần cho các bác sĩ khi được chứng kiến 1 sản phụ - 2 đứa trẻ có thể vượt qua các giai đoạn nguy kịch và diễn tiến ổn định.