Dự hội nghị có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và lãnh đạo UBND các tỉnh Đông Nam bộ.
Sau khi lắng nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện giao ước thi đua năm 2018 và phương hướng nhiện vụ năm 2019 của Cụm thi đua các tỉnh Đông Nam bộ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá: năm 2018, các tỉnh trong Cụm thi đua Đông Nam bộ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, kinh tế, an ninh quốc phòng. 7 tỉnh miền Đông Nam bộ gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận và Ninh Thuận đã đóng góp 15% vào thu ngân sách của cả nước. Năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội các tỉnh trong Cụm phát triển ổn định. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,32%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 55 tỷ USD; thu ngân sách hơn 206 nghìn tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài hơn 7,1 tỷ USD,…
Phó Chủ tịch nước cho rằng, năm 2018, Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ dành sự quan tâm rất lớn cho công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện, nêu gương những điển hình tiên tiến, qua đó tạo được dư luận tốt trong xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng của Cụm đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, trong đó, chú trọng khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất. Tuy nhiên, phong trào thi đua tại các địa phương trong Cụm chưa đồng đều.
Đến nay, các tỉnh thuộc Cụm thi đua có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trung bình cả nước là 43%). Trong đó, Đồng Nai có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ này ở Bình Dương và Bà Rịa – Vũng tàu là trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong Cụm thi đua thấp nhất cả nước, riêng tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu số hộ nghèo chỉ chiếm 1%.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh trong Cụm thi đua cần quan tâm, thực hiện tốt Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Các tỉnh cần tập trung vào các phong trào thi đua như: Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập phát triển, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong khen thưởng đối với người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng.
Theo báo cáo của Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ, năm 2018, các tỉnh trong Cụm thi đua đã thực hiện tốt các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Tỉnh Bình Phước hỗ trợ kinh phí mua và cấp hơn 52.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tỉnh Đồng Nai xây dựng và bàn giao gần 240 nhà tình thương cho hộ nghèo; tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, nhà ở, tiền điện cho hộ nghèo, cận nghèo.
Trong phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, Đồng Nai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, gắn kết với thị trường quốc tế.
Lãnh đạo UBND các tỉnh ký giao ước thi đua 2019 |
Năm 2019, các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích khởi nghiệp; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Phát động đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nâng cao vai trò hoạt động của đơn vị làm công tác thi đua, khen thưởng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước tại các cơ quan, đơn vị.
Tại buổi lễ, dưới sự chứng kiến của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, lãnh đạo UBND các tỉnh trong Cụm thi đua Đông Nam Bộ đã ký kết giao ước thi đua năm 2019.