Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội xem xét nhiều nội dung quan trọng

Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung, chương trình hội nghị.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung, chương trình hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay, 21/11, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ mười. Dự kiến, trong ba ngày làm việc, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sẽ họp bàn về chín nội dung, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của TP Hà Nội; nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…

Đưa ra những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững

Theo chương trình, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII thảo luận, cho ý kiến về các nội dung bao gồm Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của TP năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của TP; Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội.

Cùng với đó, Hội nghị cũng xem xét, cho ý kiến vào Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP; Định mức phân bổ ngân sách của TP giai đoạn 2023-2025; Đề án quản lý, sử dụng tài sản công của TP Hà Nội; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 của Thành ủy; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy; Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện 2 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu khai mạc, định hướng thảo luận các nội dung tại hội nghị, về một số vấn đề về tình hình KT-XH, tài chính ngân sách, đầu tư công, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP và các chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội.

Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức và tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của TP, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình KT-XH Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tình hình KT-XH cả nước cũng như TP đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn.

Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng và trúng, đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trên tinh thần đó, Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2022 của TP.

Trong đó, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cần tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2023.

Đồng thời, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính…, chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, các đại biểu cần phân tích, dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.

Các đại biểu cần tập trung thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT-XH, tài chính ngân sách và đầu tư công, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đại biểu thảo luận kỹ trên nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc và các dự án đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định có khả năng hấp thụ vốn cao, giải ngân vốn tốt…

Bảo đảm quy hoạch chung phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô

Lưu ý về một nội dung quan trọng là nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đại biểu góp ý, thảo luận sâu về hai vấn đề.

Thứ nhất là thực trạng dân số của Hà Nội hiện nay cũng như dự báo dân số đến năm 2030, 2050 để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của Thủ đô. Thứ hai là xác định tính chất, tầm nhìn phát triển Thủ đô theo Quan điểm số 2 của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là điểm riêng có của Hà Nội. Theo Bí thư Hà Nội, đây cũng là điểm nhấn của quy hoạch lần này...

Về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, tài sản công là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của cả nước nói chung và của TP nói riêng còn chưa hiệu quả.

Để Đề án được hoàn thiện hơn nữa và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi được thông qua và đi vào tổ chức thực hiện, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đại biểu tập trung, thảo luận cho ý kiến về sự cần thiết, phạm vi của Đề án.

Cùng với đó, đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của TP nói chung và tại cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác nói riêng, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cần đề xuất quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công; đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư; quỹ đất dự kiến đối ứng BT trước đây...

“Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển KT-XH của Thủ đô năm 2023 và những năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.