Đây là hội nghị thường niên nhưng được tổ chức liền kề với Hội nghị cấp Bộ trưởng về ma túy xuyên quốc gia theo sáng kiến của Việt Nam, mời một số nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế tham dự để bàn thống nhất tăng cường hợp tác đấu tranh, ngăn chặn sự phức tạp, gia tăng, giảm áp lực nguồn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các đối tượng trong đường dây đưa 35kg ma túy từ Campuchia về TP HCM vừa bị công an triệt phá |
Tình hình ma túy diễn biến phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia (UBQG) phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm nhấn mạnh tình hình tội phạm về ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ; xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn hoàn toàn mới rất tinh vi, xảo quyệt và manh động.
Những năm gần đây, bên cạnh các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm dụng chất ma túy tổng hợp được sản xuất từ các tiền chất có sẵn trên thị trường và một số loại cây cỏ có chứa ma túy mới xuất hiện chưa được đưa vào danh mục kiểm soát. Số lượng, chủng loại ma túy được sử dụng trong khu vực và trên thế giới ngày càng gia tăng, đa dạng về hình thức mẫu mã và loại ma túy sử dụng ngày càng nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm ma túy tổng hợp.
Tình hình trồng cây có chứa chất ma túy diễn ra hầu như khắp nơi trên thế giới. Riêng khu vực Đông Nam Á, do có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi và chịu sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ khu vực Tam giác Vàng nên tình hình tệ nạn ma túy trong khu vực đối diện với những thách thức lớn, diễn biến phức tạp trên nhiều mặt.
Bên cạnh đó, xu thế hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy đã xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới, mà bản chất là sự thỏa hiệp có mức độ với tệ nạn ma túy. Điều này đi ngược lại tinh thần của các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, tác động trái chiều đến quan điểm và việc hoạch định quyết sách, chiến lược phòng, chống ma túy của mỗi nước, làm tăng nguy cơ về tội phạm và người nghiện ma túy, sẽ gây ra những hậu quả khó lường về sau.
Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho nhiệm vụ phòng, chống ma túy, tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với ma túy; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy; đổi mới và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai; ngăn chặn và kiểm soát cơ bản tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ
Từ năm 1998, cơ chế hợp tác Ba bên/song phương về phòng, chống ma túy giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào đã được hình thành và phát triển.
Qua hơn 20 năm hoạt động, cơ chế này đã và đang ngày càng phát huy tác dụng, kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì, củng cố và đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ba nước trong công tác phòng, chống ma túy và đã được khẳng định, đánh giá qua các kỳ hội nghị.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cũng chỉ rõ, các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia triệt để khai thác, lợi dụng các đặc điểm về địa chính trị, phong tục, tập quán sinh hoạt, quan hệ thân tộc, hoạt động giao lưu kinh tế giữa ba nước và những khó khăn, sơ hở trong kiểm tra, kiểm soát biên giới để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua mỗi nước với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, những biến động phức tạp của tình hình an ninh chính trị trên thế giới và khu vực tác động mạnh hơn, nhanh hơn đến an ninh trật tự của mỗi nước, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực, làm cho công tác kiểm soát, ngăn chặn tội phạm ma túy ngày càng gặp nhiều khó khăn.
“Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết, 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia cần tiếp tục chung sức, hợp tác chặt chẽ, huy động tối đa nội lực, tranh thủ triệt để ngoại lực để hỗ trợ cho công tác đấu tranh, phòng chống ma túy”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước hết cần tập trung phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, cai nghiện ma túy; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy.
Tại Hội nghị, đại biểu 3 nước nhất trí nhận định tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán ma túy bất hợp pháp trên thế giới tiếp tục gây nhiều quan ngại, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội của cả 3 nước cũng như các nước khác trong khu vực, khẳng định hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp không chỉ làm suy yếu nền tảng xã hội của đất nước, gây tổn thất to lớn về kinh tế, sức khỏe mà còn là nguyên nhân làm nảy sinh các loại tội phạm khác, đe dọa tới sự ổn định của quốc gia.
Điều này đòi hỏi các nước, đặc biệt các nước có chung đường biên giới, phải chia sẻ trách nhiệm chung và có các giải pháp kiên quyết ở cấp quốc gia và khu vực nhằm tăng cường hợp tác, hạn chế tối đa tội phạm sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy bất hợp pháp ở mỗi nước.
Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị cấp Bộ trưởng về ma túy xuyên quốc gia theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị đã thống nhất chia sẻ danh sách, hồ sơ các đối tượng phạm tội về ma túy, các đối tượng truy nã đang lẩn trốn hoặc nghi đang lẩn trốn tại các nước; phối hợp xác minh thông tin, lập chuyên án điều tra và phối hợp cử đoàn cán bộ sang nước sở tại để phối hợp, tổ chức hỏi cung bị can nhằm bóc gỡ cả đường dây, bắt giữ được các đối tượng vận chuyển và các đối tượng chỉ huy, cầm đầu; tiến hành điều tra chung.