Nhếch nhác, phản cảm
Điều đầu tiên hiện trước mắt du khách là lực lượng an ninh có mặt ở khắp nơi. Lực lượng dân phòng, công an và cả quân đội được huy động với con số hàng trăm người, nhưng vẫn không ngăn được cảnh tượng hỗn độn diễn ra.
Lực lượng bảo vệ "thường trực" khắp nơi khiến du khách thấy phản cảm. |
Nhiều du khách tỏ ra bất bình khi lực lượng an ninh "dàn hàng" ở cổng với những chiếc dùi cui trên tay.
Anh Nguyễn Văn Minh (Thường Tín, Hà Nội) bày tỏ: "Việc bố trí quá đông lực lượng an ninh khiến chúng tôi không thấy thoải mái khi trẩy hội. Có đến cả trăm dân phòng ai cũng lăm lăm dùi cui trên tay, nhìn du khách với vẻ mặt chẳng lấy gì làm thân thiện khiến khung cảnh rất phản cảm".
Mặc dù lực lượng an ninh đông song hàng quán vẫn "mọc" lên ở các khu vực cấm. Đội ngũ hàng rong chào bán ngay lòng đường cũng chẳng thấy ai nhắc nhở. Thậm chí, lực lượng này còn “bó tay” khi không “mời” được một cụ già bày bán hương, vàng mã ngay khu vực cổng chính. Rác ở khắp nơi, du khách nằm, ngồi ở bất cứ đâu có thể. Người ăn xin cũng tập trung khá đông.
Sới vật vắng khách, hiếm người tham gia. |
Như mọi năm, các trò chơi như đấu vật, chọi gà, đập niêu…vẫn được tổ chức. Nhưng những trò này không được đông đảo người dân, du khách hưởng ứng, người tham gia chơi gần như không có.
Đơn cử như tiết mục đấu vật, mặc dù “sới” được dựng lên từ tối hôm trước, theo lịch sẽ "mở màn" từ 8h hôm sau, song sau hàng giờ ban tổ chức kêu gọi qua loa phóng thanh vẫn không có người tham gia vật. Nhiều giờ chờ đợi không kết quả, sới vật đành phải dẹp bỏ trong sự ngao ngán của ban tổ chức. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở sới chọi gà hay cuộc thi đập niêu.
Tại khu vực đồi Lim, phường quan họ mở gian hàng tràn lan. Theo cảm nhận của nhiều du khách, các tiết mục dân ca quan họ dường như không có gì đặc sắc và cũng không thể hiện được nét văn hóa Kinh Bắc đậm đà. Khu vực sân khấu chính, ban tổ chức đã mở nhạc “sàn” với loa “khủng” đập xình xình để thu hút du khách.
Hàng rong bán ngay lòng đường. |
Năm nay, các phường quan họ dường như "ganh đua" những dàn loa “khủng bố”. Trong không gian đậm chất quan họ, mỗi phường một vẻ với âm thanh chát chúa làm không gian văn hóa truyền thống trở nên ô hợp.
Hàng quán "chặt chém", du khách sớm từ giã hội Lim
Nhiều du khách hội Lim từ sáng sớm, ăn sáng tại đây và cau mặt khi trả tiền cho bát phở nhạt thếch, lõm bõm nước với mức giá 40 ngàn đồng.
Người dân địa phương đua nhau lập bãi trông giữ ô tô, xe máy và cũng ra sức “chém giá”.
Hàng quán bày bán cả ở khu vực cấm và ra sức "chặt chém" |
Những bãi xe trái phép này còn "mọc" lên ở cả trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Y tế, Trạm biến áp điện lực, Đoàn thanh niên..., cũng được tận dụng làm bãi trông xe.
Nhiều du khách gửi xe máy đều lắc đầu ngao ngán với mức 20.000 đồng/lượt. Một khách gửi ô tô đã phải cãi nhau với người trông xe khi bị “hét” giá 100 đồng/giờ.
Trông xe với giá "cắt cổ" |
Chị Nguyễn Thanh Ngân (Hà Đông, Hà Nội) không giấu nổi bức xúc và cãi nhau với người giữ xe vì cho rằng mình bị “chặt chém” quá đáng. “Với mức giá chẳng khác gì, thậm chí còn cao hơn giá gửi xe những ngày lễ tại Hà Nội, ai mà không bực mình. Gọi là trông xe nhưng những người ở đây chẳng nói chẳng rằng, cứ thấy người đậu xe vào là chạy đến thu tiền. Chẳng hiểu cơ quan chức năng và Ban tổ chức quản lý thế nào mà để du khách bị "chặt" một cách không thương tiếc như thế”.
Do không gian ô hợp, các phần lễ hội cũng chẳng có gì đặc sắc nên nhiều du khách đã chán nản bỏ về, dù vừa mới vào hội chừng nửa tiếng đồng hồ.