Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 mục III Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 thì hoa trang trí tại dải phân làn trên đường Kim Mã cũng thuộc danh mục cây xanh đô thị.
Cũng tại Thông tư nêu trên, Khoản 2 mục V quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với cây xanh đô thị như sau: "2. Các hành vi xâm hại cây xanh đô thị như: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây".
Tại Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005, ở Điều 2 cũng quy định: "Các hành vi vi phạm các quy định cấm đối với cây xanh đô thị sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở."
Đồng thời chiếu theo Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa bị xử lý như sau: "1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ."
“Như vậy những người tự ý lấy chậu hoa tại dải phân cách đường Kim Mã có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng”, luật sư Thanh nhận định.
Tuy nhiên, luật sư Thanh cũng lưu ý, việc lấy chậu hoa của người dân nếu được sự cho phép của những người quản lý chậu hoa thì không thể coi là người dân tự ý và không thể áp dụng Nghị định nêu trên để xử phạt. Trong trường hợp này thì cần phải xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lý chậu hoa.