Những câu hỏi trên là băn khoăn của rất nhiều người trong mùa “xin chữ” Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Lễ hội Hoa đăng và tái hiện khu lều chõng sĩ tử
Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9- 25/2/2018 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại Hồ Văn- Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Với chủ đề “Hiền tài”, không gian của hoạt động cho chữ, xin chữ tại “Hội chữ Xuân 2018” sẽ được trưng bày 35 bức thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ có kích thước lớn, truyền tải tinh thần “Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài”.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chữ Xuân Văn Miếu năm nay. Trong đó, Hội chữ có không gian tái hiện khu lều chõng sĩ tử, các món ăn thời sĩ tử xưa. Bên cạnh đó, ở không gian “Giấy Dó” với trình diễn thư pháp và mỹ thuật dân gian, du khách sẽ được trải nghiệm về nghệ thuật thư pháp nổi tiếng như trải nghiệm quy trình làm giấy dó, thưởng thức, chiêm ngưỡng những dòng tranh dân gian đặc sắc của mỹ thuật dân gian Việt Nam là tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng.
Trong không gian ánh sáng làng nghề sĩ tử, tái hiện những làng nghề truyền thống, gian hàng lưu niệm sản vật Tết truyền thống và sản phẩm gắn với đời sống sĩ tử xưa như gian hàng lụa tơ tằm; Sơn mài, khảm trai; Mây tre đan nghệ thuật; Gốm sành sứ; Hoa, bonsai ngày tết; Mâm ngũ quả...
Ngoài ra, ở không gian lễ và hội sẽ có các hoạt động tái hiện những lễ hội truyền thống Việt gồm: sắp đặt và trình diễn trống hội; Lễ hội hoa đăng và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống: bói Kiều, vịnh thơ, hát xẩm, ca trù, chầu văn, chèo, hát xoan, quan họ... và các trò chơi dân gian.
Có cảnh “lều bán chữ chui”?
Năm nay, các cơ quan mạnh tay “xốc” lại Phố Ông đồ. Các “ông đồ” được ngồi “tác nghiệp” ở tại Hồ Văn (đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Còn nhớ, những năm trước, phố Văn Miếu, các “lều bán chữ chui” tấp nập người ra vào mua chữ. Đơn giản bởi, vào Hồ Văn, khách mua chữ phải gửi xe, giá niêm yết. Trong khi đó, ở vỉa hè, họ có thể dắt cả người và xe vào mua chữ và mặc cả giá tùy ý.
Chưa kể những bức tường rêu phong cổ kính của Văn Miếu làm cho khung cảnh mua chữ “nên thơ” hơn. Vì vậy, một số ông đồ thích “lều chui” hơn “chính chủ”!! Một số “ông đồ” bỏ cả chỗ ngồi có “sổ đỏ” “đổ bộ” sang vỉa hè Văn Miếu. Khi có lực lượng an ninh, các ông “bán chữ” bê cả bàn lẫn thư pháp bỏ chạy gây nên tình trạng lộn xộn, tức mắt trong những ngày đầu năm mới.
“Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay, Ban tổ chức sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hè Văn Miếu để viết chữ và dùng loa đài quảng cáo cho chữ”. Năm Mậu Tuất, nếu “ông đồ” nào “nhổ lều” ra ngoài, sẽ “cấm vận” “múa bút” ngay lập tức, sang năm không cho tiếp tục hoạt động” - Đại diện ban tổ chức cứng rắn.
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tổ chức hội nghị an ninh, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa…và các đơn vị có liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông…tại Hồ Văn và toàn bộ khu vực Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Ban tổ chức khẳng định sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia Hội chữ.
Vấn đề “vàng thau lẫn lộn” trong chất lượng “múa bút” của các “ông đồ”, hay “ông đồ” không biết chữ cũng khiến nhiều người quan ngại. Để tìm ra “ông đồ Việt Nam chất lượng cao”, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với Câu Lạc bộ Thư pháp Việt Nam tổ chức khảo hạch. Cuộc khảo hạch “ông đồ” năm nay có 97 “ông đồ dự tuyển” nhưng chỉ có hơn một nửa…đạt chuẩn! Đó là, 55 người viết thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ được tuyển chọn trong Hồ Văn. Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ mời 8 ông đồ viết thư pháp lâu năm tiến thẳng vào Hồ Văn… “cho chữ”.
“Tránh tình trạng như những năm trước, người cho chữ không hiểu và giải thích được nghĩa của chữ họ viết, năm nay, ban tổ chức đã biên soạn một cuốn sách gồm 200 thành ngữ, từ cố định biên soạn và dịch ra tiếng Việt để người cho chữ có thể tìm hiểu và giải thích cặn kẽ nội dung cho nhân dân”, ông Trần Quốc Trí, Trưởng ban Liên lạc các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội nói.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, từ ngày 22/1/2018, UBND Quận Đống Đa đã có văn bản cho phép Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạm trông giữ xe khu vực vỉa hè để đảm bảo du khách vào Văn Miếu tham quan. Đây là giải pháp tạm thời trong khi chờ quy hoạch tổng thể về chỗ trông giữ xe.
“Hiện tại, khi lượng khách chưa đông chúng tôi vẫn có thể bảo đảm an toàn khi trông giữ xe. Nhưng nếu trong dịp Tết, khách đến Văn Miếu đông, chúng tôi lo sợ sẽ không đủ lực lượng để trông giữ xe, bảo đảm tài sản cho khách”, ông Lê Xuân Kiêu quan ngại.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội giải tỏa thắc mắc về hiện tượng “thổi” giá vé xe: “Giá vé sẽ được niêm yết và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Trong trường hợp nảy sinh những vấn đề như giá vé quá cao so với quy định, du khách có thể phản ánh trực tiếp với UBND quận Đống Đa để giải quyết”.