Thị trường phim dành cho thiếu nhi của Việt Nam gần như bị bỏ trống hoàn toàn trong khi các nhà làm phim thì tỏ ra thờ ơ. Các nhà đầu tư tháo chạy Quá ít phim dành cho thiếu nhi bởi có quá ít đạo diễn chịu làm phim dành riêng cho các em. Phim chiếu rạp dành cho thiếu nhi thì gần như không có. Vì thế, các khán giả nhí của VN (mà ở đây chủ yếu là những em nhỏ đang sống ở các thành phố lớn) chỉ có thể trông đợi vào vài ba bộ phim hoạt hình nước ngoài chiếu rạp mỗi năm và các bộ phim dành cho tuổi teen phát sóng tràn ngập trên các kênh truyền hình nước ngoài dành riêng cho thiếu nhi.
Miley Cyrus, diễn viên nhí của loạt phim Hannah Montana trên kênh DIsney quen thuộc với nhiều khán giả VN. |
Những cái tên như: Hannah Montana, High School Musical, The Suite Life of Zack & Cody, The Wizard of Oz... trên kênh truyền hình Disney đã trở nên quen thuộc với hầu hết khán giả teen ở các thành phố lớn. Và cho dù các bộ phim này có hợp "khẩu vị" hay không thì các em cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Chuyện thiếu phim cho thiếu nhi, các đạo diễn thừa biết. Không phải họ không quan tâm đến các khán giả nhỏ tuổi mà vì lý do rất đơn giản và luôn được nghĩ đến đầu tiên: làm phim cho thiếu nhi quá khó trong khi đem lại lợi nhuận ít, chậm nên chẳng mấy ai quan tâm."Phim thiếu nhi ít nhiều sẽ phải bay bổng, ấn tượng như trí tưởng tượng, như những giấc mơ của các em. Mà điều này đòi hỏi về kỹ thuật cao (3-D). Như vậy khoản đầu tư sẽ rất cao mà ngược lại, lợi nhuận thu được từ phim thiếu nhi không biết lấy từ đâu ra. Vì nguồn thu từ truyền hình thì không đủ, phát hành DVD thì chỉ một ngày sau sẽ bị sao chép, chiếu rạp thì không hề có", đạo diễn Lâm Lê Dũng, người từng làm rất nhiều phim cho thiếu nhi thành công như Cha con ông mắt mèo, U14 - Đội bóng trong mơ... lý giải.Đạo diễn Hoàng Điệp, người từng gây chú ý với bộ phim dành cho teen Bộ tứ 10A8 cho rằng với bất cứ một bộ phim cho teen nào, thách thức được đặt ra là làm thế nào để thoả mãn được đối tượng khán giả hay thay đổi. "Khác với các dòng phim khác, đều có đối tượng khán giả riêng còn tôi chưa thấy lực lượng fan hâm mộ đông đảo của dòng phim teen. Một trong những nguyên nhân khiến do mảng phim cho teen vừa thiếu, vừa yếu là vì quá ít những người thực sự liều lĩnh dám đầu tư cho dòng phim này. Teen là đối tượng khán giả cực kỳ mạo hiểm với nhà đầu tư vì tâm lý hay thay đổi. Do vậy nhiều nhà đầu tư đã chọn cách làm phim cho các đối tượng khác", nữ đạo diễn thuộc thế hệ 8X nói. Nhà làm phim ngao ngánTrong vô số các bộ phim dành cho teen, người ta thường xuyên bắt gặp những nhân vật trẻ con nhưng nói giọng bà già bởi lời thoại của chúng do người lớn áp đặt. Chính vì lý do này mà khán giả nhí lại chẳng hề thấy họ trong các bộ phim dành cho lứa tuổi mình. Làm phim cho thiếu nhi, điều khó đầu tiên là từ khâu kịch bản. Trong những câu chuyện viết ra cho thiếu nhi chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều ý nghĩ, câu nói của người lớn. Các nhà biên kịch cho lĩnh vực phim thiếu nhi rất ít, nếu có thì có lẽ quá cô đơn vì có nghĩ ra, viết ra cũng không biết ai sẽ làm phim, bao giờ làm phim.
Quá ít phim VN dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi |
Nhưng cho dù đã có kịch bản trong tay rồi thì thách thức vẫn chưa hết. Làm việc với các diễn viên nhí thích thật vì các em hết sức trong sáng, lại không bị rào cản kỹ thuật diễn xuất, tình cảm và phản ứng rất thật nhưng cũng đồng thời tạo nên gánh nặng khác cho các đạo diễn. Đặc biệt, việc quay phim bị chi phối bởi giờ giấc học tập và sức khoẻ của các em. Thời gian chỉ đạo diễn xuất cũng lâu hơn vì những thay đổi thất thường ở trẻ. Nhiều đạo diễn phải dùng mọi cách để... chỉ đạo các diễn viên cứng đầu. Hết dụ dỗ, năn nỉ đến đe nẹt... Rất mất sức!Và khi phim đã hoàn thành, chưa biết khả năng thu hồi vốn đến đâu nhưng những người làm phim đã phải đối mặt với những thách thức mới có thể khiến bất cứ ai chán nản."Với bất cứ một bộ phim nào, thách thức được đặt ra là làm thế nào để thoả mãn được những khán giả hay thay đổi và đặc quyền không ai có thể cướp đi được của chúng là quyền được nói. Trên các diễn đàn các em có thể chê bai thoải mái, không cần biết sự cố gắng hay nỗ lực của nhà làm phim hay diễn viên. Làm phim thoả mãn được những khán giả tinh ý, tinh quái đã thế còn hay xăm soi, đòi hỏi là điều không dễ", đạo diễn Hoàng Điệp chia sẻ."Chẳng ai chọn con đường có nhiều ổ gà để đi. Có lẽ dành thời gian để chiến đấu trong đề tài người lớn thú vị hơn nên ai cũng nghĩ phim thiếu nhi để những người làm phim hoạt hình lãnh trách nhiệm thì tốt hơn", đạo diễn Lâm Lê Dũng kết luận.
Theo Hoàng Vy
VietNamNet
VietNamNet