-Thưa Thứ trưởng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Xin Thứ trưởng cho biết việc đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Học viện Tư pháp trong thời gian tới cần chú trọng những định hướng cơ bản nào?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Quan điểm chỉ đạo này đã một lần nữa đã được làm rõ hơn tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” bằng những định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp; hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp; hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án; hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư; hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp, công tác đào tạo nguồn nhân lực tư pháp. Riêng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh trao Bằng khen của Bộ trưởng cho Học viện Tư pháp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021-2022, ảnh Thanh Hương |
Có thể thấy chủ trương về xây dựng, chuẩn hóa và đảm bảo nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quan điểm xuyên suốt, kiên định, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng và Nhà nước ta. Điều này đặt ra cho Bộ, ngành Tư pháp yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác đào tạo đội ngũ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Để thực hiện nhiệm vụ trên, tôi đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò, nhiệm vụ của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, có bề dày 25 năm xây dựng và phát triển cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt để đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp với những định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đến năm 2030 đề ra tại Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn môi trường xã hội - nghề nghiệp của thời đại số hóa, hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển giáo dục đào tạo của thế kỷ 21 - thế kỷ của phát triển năng lực học tập suốt đời, cá nhân hóa việc học tập, nhà trường, lớp học ảo song hành với lớp học trực tiếp để tạo mọi cơ hội học tập cho người dân trong xã hội. Vì vậy, việc đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp phải đổi mới cả về nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, bảo đảm phù hợp với sự phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bắt kịp tiến bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số.
Thứ hai, nâng tầm chất lượng, hiệu quả đào tạo theo hướng xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện đại, khoa học, mang tính ứng dụng cao và gắn kết với thực tiễn hành nghề, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống chương trình đa dạng, bài bản, chuyên sâu, có tính liên thông cao nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp chất lượng cao cho xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ giảng viên giỏi, có uy tín, kinh nghiệm, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo, hợp tác trong nước và quốc tế; tập trung nguồn lực tài chính, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, quản trị hiện đại, thông minh, số hóa một cách tối đa nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập của người học.
-Với những định hướng trên đây, xin Thứ trưởng cho biết Học viện Tư pháp cần chú trọng những giải pháp nào để thực hiện thành công việc đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong thời gian tới?
Để đổi mới công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Học viện Tư pháp cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên thu thập ý kiến phản hồi từ người dạy, người học, người sử dụng lao động, nhà quản lý… làm cơ sở cho việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo; đổi mới chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo theo hướng bám sát mục tiêu, yêu cầu của cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế và yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được thể hiện trong văn kiện của Đại hội; thống nhất cách thiết kế, cấu trúc các chương trình đào tạo theo hướng chú trọng kỹ năng nghề nghiệp đặc thù của từng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp giúp cho người học có cơ hội tiếp xúc sớm với các hoạt động thực tiễn hành nghề và tăng cường sự tự giác, năng lực tự học, tự nghiên cứu, chủ động trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp của người học; đa dạng hóa phương thức đào tạo ở tất cả các chương trình đào tạo (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến).
Thứ hai, đặc biệt chú trọng nội dung đào tạo về chính trị tư tưởng, bản lĩnh, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kỹ năng mềm; cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng hành nghề trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm trang bị cho học viên năng lực tư duy pháp lý, phân tích và xử lý tình huống, kỹ năng làm việc độc lập trong môi trường công việc áp lực cao, kỹ năng áp dụng pháp luật và giải quyết các vụ việc theo chức danh nghề nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ ba, thường xuyên sà soát, chỉnh sửa hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống, tình huống thực hành, ngân hàng đề thi đảm bảo tính khoa học, chính xác, cập nhật, thực tiễn. Cần chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên. Đặc biệt, cần quan tâm phát triển thư viện điện tử, tiếp tục thực hiện số hóa giáo trình, tài liệu… nhằm đảm bảo cho học viên, giảng viên được tiếp cận nguồn tài liệu đa dạng, phong phú trong quá trình học tập, giảng dạy.
Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên cơ hữu; thu hút những người có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm làm giảng viên thỉnh giảng.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới công tác quản trị nội bộ; đổi mới hệ thống quản trị đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phục vụ; đầu tư và quản trị hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác của Học viện Tư pháp.
Thứ sáu, tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan toà án, viện kiểm sát, các tổ chức hành nghề tư pháp trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, hồ sơ tình huống, phát triển đội ngũ giảng viên và tổ chức đào tạo; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và cơ sở đào tạo của các quốc gia nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Thứ bảy, thường xuyên rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, kịp thời đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý về vấn đề này.
-Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện Tư pháp, Thứ trưởng có điều gì nhắn nhủ đến các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp?
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Học viện Tư pháp, tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của toàn thể thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động của Học viện cho Bộ, ngành Tư pháp trong suốt 25 năm qua.
Tôi mong rằng Học viện Tư pháp luôn kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao; chủ động, sáng tạo để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt sứ mạng của mình, đồng thời huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và sức mạnh đoàn kết của toàn thể đội ngũ viên chức, người lao động trong Học viện để xây dựng Học viện Tư pháp trở thành một khối thống nhất vững mạnh, toàn diện về mọi mặt, đủ sức mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúc toàn thể viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc Học viện Tư pháp luôn ổn định, phát triển, xứng tầm là trung tâm lớn đào tạo các chức tư pháp của cả nước.
-Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!