Thu vượt hơn 55 tỷ đồng
Theo Kết luận số 7307/KL-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023, Học viện Học viện Hàng không đã thu học phí vượt mức trần mức học phí theo quy định tại Nghị định số 86/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể năm học 2021-2022 Học viện này thu vượt khoảng 10% với tổng số tiền tạm tính là khoảng 5 tỷ đồng. Riêng năm học 2022-2023, Học viện này đã thu cao hơn quy định (Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập) với số tiền tạm tính là hơn 50 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm học nói trên, Học viện này đã thu vượt quy định hơn 55 tỷ đồng.
Theo báo cáo, giải trình của Học viện Hàng không Việt Nam, nguyên nhân thu học phí cao là do Học viện áp dụng Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Học viện này cũng cho rằng đã có thông báo hoàn trả và khấu trừ học phí năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023 trên hệ thống thông tin điện tử của Học viện. Tuy nhiên theo Bộ Giao Thông Vận tải thì tại thời điểm xác minh, làm việc với người tố cáo (tháng 2 năm 2023) cho thấy, người học chưa nhận được tiền hoàn trả theo thông báo.
Kết luận số 7307/KL-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ. Về học phí năm học 2021 - 2022, Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam không ban hành quyết định về chính sách học phí, học bổng, hỗ trợ người học năm học 2021 - 2022 mà để Giám đốc Học viện quyết định ban hành mức học phí là chưa đúng thẩm quyền quy định tại Khoản 10, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đối với học phí năm học 2022 - 2023, Hội đồng Học viện, Giám đốc Học viện ban hành chính sách, quyết định mức học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên khi có Nghị quyết số 165/NQ-CP cuối năm 2022 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Hội đồng Học viện không kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả và ý nghĩa trong chính sách “nhằm hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân” sau thời gian bị Covid.
Kết luận về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, những việc làm chưa đúng quy định nói trên là do Học viện chưa nghiêm túc trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan có thẩm quyền về chính sách học phí cũng như do có sự thay đổi về chính sách điều hành liên quan đến học phí.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trách nhiệm thuộc về ông Trần Hoài An với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Học viện và là người chủ trì cuộc họp để xem xét, triển khai văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện chính sách học phí theo quy định của Chính phủ. Ông Trần Hoài An chưa làm hết thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định trong việc quyết định chính sách học phí. Ông An không khẩn trương, kịp thời chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế về chính sách, mức học phí theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Bên cạnh đó, Bộ Giao Thông cũng nêu rõ, để xảy ra tình trạng như trên còn có trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, Giám đốc Học viện, cá nhân thuộc các phòng, bộ phận tham mưu có liên quan.
Từ đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam khẩn trương chỉ đạo rà soát các quy chế, quy định, định mức và chính sách thu học phí không đúng quy định để có phương án khắc phục. Khẩn trương thực hiện hoàn trả cho người học số tiền học phí thu vượt theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Hội đồng Học viện, Giám đốc Học viện chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến những tồn tại, hạn chế nêu trên hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý có biện pháp, hình thức xử lý nghiêm theo quy định.
Học viện Hàng không phân trần
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam về Kết luận của Bộ Giao thông Vận tải, PGS. TS Trần Hoài An - Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam lý giải: Học viện Hàng không Việt Nam là đơn vị tự chủ cấp 2 nhưng thực chất đã tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư từ năm 2022. Do đó việc tính toán, ban hành mức thu học phí, điều chỉnh tăng - giảm,… cần phải thực hiện thận trọng, đúng quy định pháp luật.
Việc thu học phí năm học 2021-2022 là thực hiện đúng Nghị định 86/2015/NĐ-CP (được phép tăng 10% mỗi năm), khi Nghị định 81/2021/NĐ-CP ban hành quy định cụ thể mức thu học phí năm học 2021-2022 không có quy định thu vượt 10% và Học viện đã chậm xử lý trả lại 10% thu vượt cho người học.
Với học phí năm học 2022-2023, Học viện đã thu đúng với Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về hỗ trợ học phí cho sinh viên sau thời điểm đại dịch COVID-19 nên các trường không được tăng học phí, nhưng thời điểm này các trường đều đã thu học phí của sinh viên theo Nghị định 81/2021.
Để có hướng giải quyết, Học viện Hàng không cũng như các trường đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xin làm rõ nội dung của Nghị quyết và Học viện đã thực hiện điều chỉnh giảm và trả khoản thu vượt cho người học sau khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 694/BGDĐT-KHTC ngày 23/2/2023).
“Học viện không cố tình để thu vượt quy định, mà do nguyên nhân khách quan vì những quy định pháp lý ra sau thời điểm mà các trường đã thu học phí, làm cho các đơn vị bị động, gặp khó khăn trong việc triển khai. Học viện không phải là cá biệt, mà đây là tình trạng chung của các trường Đại học, Học viện công lập.
Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Học viện đã nhanh chóng triển khai kế hoạch để hoàn trả tiền thu vượt cho sinh viên bằng việc xác nhận những sinh viên nào đã đóng vượt (tùy sinh viên đăng ký học bao nhiêu tín chỉ), nếu không phải là sinh viên chuẩn bị ra trường thì Học viện sẽ cấn trừ vào học phí của các kỳ sau, còn với sinh viên năm cuối thì Học viện sẽ trả lại đầy đủ cho sinh viên…” - PGS. TS Trần Hoài An cho biết.