Đánh học sinh tím đùi vì không có đồ dùng học tập
Chiều 12/10, một chủ tài khoản facebook bất ngờ đăng tải hình ảnh một học sinh bị giáo viên đánh bầm tím ở vùng đùi với nội dung: “Bạo lực học đường. Đây là cháu T.B.T.Đ. (lớp 3B, Trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cô An Thị Thanh chủ nhiệm.
Chỉ vì cháu quên mang bảng con nên cô giáo gọi lên bảng làm bài, cháu làm bài sơ sài nên cô dùng thước gỗ đánh cháu 15 thước vào đùi làm cho cháu phải lết từ trên bảng về chỗ ngồi. Không chỉ riêng cháu bị đánh như vậy mà thường ném vở và tát các học sinh trong lớp, nhiều cháu bị đánh vào lưng…”
Ngay sau khi nắm được thông tin, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Trường Tiểu học Nguyễn Du báo cáo sự việc.
Sau đó, Trường Tiểu học Nguyễn Du đã có báo cáo cụ thể về vụ việc giáo viên đánh bầm tím đùi một học sinh lớp 3. Theo báo cáo, sáng 6/10, lúc làm bài tập trong giờ học môn Toán của cô An Thị Thanh (giáo viên chủ nhiệm lớp 3B), em T.B.T.Đ. không có đồ dùng học tập và không chịu làm bài.
Ngoài ra, từ đầu năm học đến nay, em Đ. thường xuyên thiếu dụng cụ học tập và hay quên vở khi đến lớp, kiểm tra bài cũ không thuộc bài. Vì quá bức xúc cũng như không kiềm chế được bản thân và cô Thanh cũng muốn học sinh tiến bộ nên đã dùng thước đánh vào đùi của em Đ., gây ra hậu quả không mong muốn như hiện nay. Việc này gây bức xúc cho phụ huynh em Đ., phụ huynh cả lớp 3B cũng như tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường.
Chỉ vì thiếu đồ dùng học tập, bé gái bị đánh tím đùi. |
Sau khi xảy vụ việc trên, Ban giám hiệu nhà trường cùng cô Thanh đã đến nhà gặp để động viên, ổn định tâm lý học sinh và xin lỗi gia đình. Phía nhà trường cũng đã tạm đình chỉ việc giảng dạy của cô Thanh và cử giáo viên khác đứng lớp 3B ngay sau khi xảy ra vụ việc, yêu cầu viết tường trình.
Cũng theo báo cáo, dưới sự chứng kiến của của Ban đại diện cha mẹ học sinh, gia đình em Đ. đã chấp nhận lời xin lỗi của cô Thanh.
Bà Trịnh Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết, nhà trường đã họp hội đồng, xem xét và thống nhất kỷ luật cô Thanh bằng hình thức khiển trách. Bên cạnh đó, nhà trường đã hoàn tất hồ sơ gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Buôn Ma Thuột và các cơ quan chức năng để xin ý kiến chỉ đạo.
“Đây là lần đầu tiên trong trường xảy ra sự việc này nên quá trình xử lý, bản thân tôi đã nghiên cứu rất kỹ các quy định pháp luật”, bà Dung cho hay
Bà Dung khẳng định, sau khi xảy ra sự việc, nhà trường không đứng ngoài cuộc, không bỏ bê, cũng không bao che cho giáo viên mà xử lý kịp thời ngay. Nhà trường đã thực hiện các bước xử lý theo đúng quy định. Hiện, nhà trường vẫn đang tiến hành tạm đình chỉ việc dạy đối với cô Thanh để chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Nói về quá trình công tác của cô Thanh, bà Dung cho hay, giáo viên này đã công tác trong nghề 31 năm nay, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chưa có vi phạm gì cho đến khi xảy ra sự việc nói trên. Sau khi xảy ra sự việc, bản thân cô Thanh rất ân hận, luôn dằn vặt về hành động bộc phát của mình.
“Sự việc xảy ra không mong muốn, cô Thanh đã vi phạm quy tắc ứng xử cũng như nội quy, quy định của nhà trường, của ngành nên phải xử lý. Tuy nhiên, xét về quá trình công tác và kết quả trong quá trình giảng dạy, nhà trường rất mong các cấp tạo điều kiện cho cô Thanh có điều kiện sửa đổi. Vụ việc cũng là bài học cho nhà trường, bản thân cô Thanh, thầy cô giáo trong trường và cho toàn ngành”, bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, sau khi xảy ra sự việc, em Đ. vẫn đi học bình thường, khỏe mạnh và không có biểu hiện gì bất thường.
Bà Mai Thị Hồng Hà - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột cho biết, vụ việc cô giáo Thanh đánh học sinh là không thể chấp nhận được và sẽ có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Hiện tại, Phòng GD&ĐT đã đề xuất với UBND TP Buôn Ma Thuột ra quyết định xử phạt hành chính, phạt tiền đối với cô Thanh từ 2,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đồng thời, có quyết định tạm đình chỉ công tác giảng dạy đối với cô Thanh từ 1 đến 6 tháng.
Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột cũng đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Du cử giáo viên tiếp tục theo dõi, quan tâm đến tinh thần, sức khỏe, quá trình học tập của em Đ. tại trường trong thời gian tới.
Theo bà Hà, trong vụ việc này cũng có một phần lỗi và trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du khi chậm trễ báo cáo với Phòng GD&ĐT và cơ quan chức năng. Do đó, Phòng GD&ĐT đã nghiêm khắc phê bình Hiệu trưởng nhà trường trong việc chậm trễ báo cáo.
“Đáng lẽ ngay khi vụ việc xảy ra thì Hiệu trưởng phải báo cáo ngay với Phòng GD&ĐT để có phương án xác minh, xử lý kịp thời. Còn ở đây, khi sự việc được đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận thì Hiệu trưởng mới báo cáo”, bà Hà cho biết.
Học sinh bị đánh xin mẹ tha lỗi cho cô giáo
Theo chị Bùi Thị Thu Nh. (ngụ xã Hòa Thắng, mẹ của Đ.), hôm xảy ra sự việc, gia đình thấy cháu Đ. đi học về với vết bầm tím trên đùi nên vô cùng bức xúc. Sau đó, bà ngoại cháu Đ. lên trường tìm gặp cô Thanh.
Tại đây, cô Thanh nói do nóng quá, không kiểm soát được nên có vụt cháu mấy cây. Sau đó, gia đình chị Nh. tìm hiểu qua các phụ huynh trong lớp thì được biết, không riêng gì cháu Đ., từ đầu năm đến nay giáo viên này đã đánh nhiều học sinh khác.
“Dù không đồng ý với cách dạy này của cô Thanh nhưng gia đình tôi không muốn làm lớn chuyện và không muốn mọi việc đi quá xa. Gia đình tôi chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý tha lỗi cho cô. Chúng tôi không mong cô bị kỷ luật hay bị xử lý gì cả. Chúng tôi mong cô xem đó là bài học để sửa đổi và không lặp lại hành vi này nữa. Đồng thời, gia đình cũng mong nhà trường xem xét, đổi giáo viên chủ nhiệm cho lớp của cháu”, chị Nh. cho biết.
Cũng theo chị Nh., cháu Đ. rất thương cô giáo. Hôm xảy ra sự việc, cháu xin mẹ tha lỗi cho cô Thanh. Cháu cũng không muốn xa các bạn, không muốn chuyển trường.
Về lý do hình ảnh cháu Đ. bị cô giáo đánh đưa lên mạng xã hội, chị Nh. lý giải, do chị bận rộn nên cháu Đ. ở với bà ngoại nhiều hơn. Vì xót cháu quá nên bà ngoại bức xúc, đăng lên mạng xã hội để nghe những lời góp ý của mọi người, chứ không nghĩ sự việc nghiêm trọng như vậy.
Kết quả nghiên cứu về tội phạm học và xã hội học hành vi cho thấy, bạo lực, bạo hành đối với trẻ em mang lại những hậu quả, hệ lụy lâu dài như trẻ cảm thấy sợ hãi, tự ti, thiếu tự tin trong cuộc sống. Bạo hành cũng khiến học sinh quen với bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, nuôi dưỡng tính cục cằn, thô lỗ và thiếu sự tôn trọng bản thân mình cũng như người khác.
Khi xã hội càng phát triển, quyền trẻ em càng được pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước về Quyền trẻ em từ rất sớm. Để thực hiện công ước về Quyền trẻ em, chúng ta có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, nay là Luật Trẻ em năm 2016.
Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Do vậy, việc cô giáo Thanh đánh học sinh là hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được.