Lâu nay, các vụ bạo lực học đường, học sinh đánh nhau đều được cho là lỗi của ngành giáo dục. Nhưng, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này, ngành giáo dục lại cảnh báo: vai trò của gia đình mới là trọng yếu trong việc giáo dục con cái, bởi “con hư tại mẹ”. Chính vì vậy, không có sự giáo dục nào tốt hơn khi cha mẹ là tấm gương sáng cho con cái; về phía mình, ngành giáo dục sẽ thúc đẩy đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường chương trình giáo dục trong. Đây là những giải pháp đưa ra tại hội thảo “Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh (HS) đánh nhau” do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28/7, tại Hà NộiGia đình ở đâu? Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, phần lớn nguyên nhân dẫn đến hành vi HS đánh nhau đều do bố mẹ hoặc người lớn trong gia đình thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật, thô bạo với trẻ như đánh đập, chửi mắng khiến trẻ có tính cách tiêu cực như lì lợm, trả thù và dễ tham gia vào các nhóm có cùng tính cách, thích đánh nhau…
Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT Hà Nội nói thêm tình trạng bạo lực học đường gia tăng cũng bởi vai trò của phụ huynh đối với con em còn nhiều bất cập. Có phụ huynh ghi ở mục nghề nghiệp trong sổ liên lạc của con là “đánh bạc”, “ghi đề”. Về phía nhà trường, HS chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, và bị ngợp trước quá nhiều nguồn thông tin do sự phát triển của internet và các hình thức truyền thông khác nhưng lại không chắt lọc được thông tin bổ ích. “Một bộ phận thanh thiếu niên trở nên nghiện các trò chơi điện tử trên internet. Nhiều em trốn học, bỏ học lấy trộm tiền của bố mẹ đi chơi, thậm chí trấn lột tiền của bạn…”, ông Quý bức xúc. Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng vẫn còn bốn nguyên nhân khiến việc ngăn ngừa tình trạng HS đánh nhau như “đi vào ngõ cụt”. Đó là: sự phối hợp phòng giữa chính quyền, công an cơ sở với nhà trường tại một số địa phương chỉ là hình thức; buông lỏng quản lý các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, internet…; gia đình thiếu sự quan tâm, một số gia đình nuông chiều thái quá; chương trình giáo dục trong nhà trường có nơi còn nặng về hình thức.Mỗi trường phải có 2-3 giáo viên kỹ năng sống TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng đề nghị, ngoài việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ GD-ĐT sớm đưa chương trình giáo dục giá trị sống để giải quyết triệt để bạo lực học đường và giúp HS tôn vinh 12 giá trị “Bình an”, “Tôn trọng”, “Yêu thương”, “Đoàn kết”… Trước thống kê đã có 735 HS bị các trường buộc thôi học (ba ngày, một tuần, một năm) vì đánh nhau, nhiều kiến lo ngại đây sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Vì vậy, nên hạn chế hình thức đuổi học đối với các em. Ông Chu Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, Bộ TTTT cho rằng, trò chơi trực tuyến cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực học đường. Bộ TTTT đã xây dựng dự thảo Quy chế về Quản lý trò chơi trực tuyến và sẽ trình Thủ tướng chính phủ trong tháng 8, trong đó bổ sung quy định quản lý người chơi theo độ tuổi và thời gian chơi; quản lý chặt người chơi trong lứa tuổi HS nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến… Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, một mình ngành giáo dục không thể kham nổi công tác giáo dục đạo đức nhân cách cho HS, mà phải gắn với một cơ chế xã hội. Phó Thủ tướng khuyến nghị cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Việc giáo dục kỹ năng sống cần và có điều kiện bước sang giai đoạn mới sau hai năm triển khai thể nghiệm. Hiện trong biên chế của các trường không có giáo viên kỹ năng sống nhưng có biên chế giáo viên dạy đạo đức, giáo dục công dân, thể thao, giáo dục quốc phòng… “Tùy điều kiện, mỗi trường cần có ít nhất 2-3 giáo viên ở các môn khác nhau làm lực lượng nòng cốt giáo dục kỹ năng sống cho HS rồi hình thành biên chế một giáo viên tư vấn trong nhà trường”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Các trường cần có sinh hoạt đầu năm học với chuyên đề “Nói không với học sinh đánh nhau” trong đó hướng tới trách nhiệm của học sinh, giáo viên, gia đình và xã hội.
Theo Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc HS đánh nhau. Các trường đã khiển trách 881 HS, cảnh cáo 1.558 HS, buộc thôi học có thời hạn 735 HS. Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an thông tin cho biết: Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 10.000 vụ phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên; tỷ lệ HS - SV và thanh thiếu niên phạm tội và vi phạm pháp luật chiếm ¼ tổng số vụ phạm pháp hình sự trên toàn quốc. Kết quả thống kê người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên toàn quốc trong năm 2008 và 2009: năm 2008 xảy ra 10.533 vụ, xử lý 16.380 đối tượng (trong đó có 1.219 vụ = 1.940 đối tượng cố ý gây thương tích); năm 2009 xảy ra 9.522 vụ, xử lý 14.446 đối tượng (trong đó có 1.043 vụ = 2.029 đối tượng cố ý gây thương tích). |
Theo Thủy Trúc
Đất Việt
Đất Việt