"Có bằng tiến sĩ nhưng lương tôi chưa đầy 6 triệu nên vợ chẳng coi ra gì. Cô ta sắm đồ mới, bán đồ cũ, cho người giúp việc nghỉ, chọn trường cho con... đều tự ý làm, không thèm bàn với tôi một câu", người đàn ông 42 tuổi kể trong lúc hỏi ý kiến chuyên gia tư vấn về chuyện ly hôn.
Theo lời anh Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hồi mới cưới, vợ chồng anh khá hòa thuận dù kinh tế khó khăn. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh tiếp tục học cao học, vợ đi làm nuôi chồng, chăm con không than vãn một câu. Tuy nhiên, mấy năm nay, ngoài nghề chính, chị còn bán hàng trên mạng, kiếm tiền rất tốt nhưng thời gian dành cho gia đình ít đi và hay cáu kỉnh, dễ "lên mặt".
"Có lúc cô ta còn bảo tôi đi giao hàng và tỏ thái độ khinh khỉnh khi tôi từ chối thẳng thừng. Con cái cần gì đều xin mẹ nên nhiều khi tôi còn cảm giác như chúng cũng chẳng coi mình ra gì", anh Thành kể.
Đỉnh điểm là dịp Tết vừa rồi, khi phát hiện vợ mua cho bố mẹ đẻ cả cây mai to rồi biếu tiền chục triệu trong khi chỉ sắm ít bánh kẹo và đưa vài triệu cho nhà nội, anh vô cùng bực tức, nói chị là người không biết ăn ở. Chị thẳng băng đáp: "Anh muốn báo hiếu, biếu bố mẹ mình bao nhiêu tôi cũng chẳng nói một câu. Từ nay trở đi, mỗi người sẽ tự chăm lo biếu xén bên nhà mình". Cho rằng vợ xách mé chồng không làm ra tiền, anh Thành đùng đùng nổi giận, đập vỡ luôn cả nồi cơm điện. "Chúng tôi nửa tháng nay không ai nói với ai câu nào, có lẽ nên đường ai nấy đi", anh Thành kể.
Ảnh minh họa:NBC News. |
Vợ chồng anh Quý cũng đứng trên bờ vực vì chuyện cơm áo gạo tiền khi mới cưới chưa đầy 4 năm.
Luôn là niềm hãnh diện của gia đình vì học giỏi nhất nhà, tốt nghiệp, anh Quý được giữ lại làm giảng viên một trường đại học khối kỹ thuật. Tuy nhiên, thu nhập mỗi tháng chưa nổi 7 triệu đồng khiến cuộc sống của cặp vợ chồng với đứa con 2 tuổi phải thuê Hà Nội khá chật vật. Con hay ốm đau, vợ tạm thời xin nghỉ ở nhà. Mỗi tháng, được bố mẹ vợ hỗ trợ 3 triệu chăm cháu, anh Quý chỉ thấy "nhục" chứ không hề mừng.
"Biết rằng ông bà thương cháu thôi nhưng cảm giác làm thằng đàn ông không nuôi nổi vợ con, để nhà ngoại phải cho tiền thì đau lắm", anh nói. Anh Quý muốn học ngoại ngữ rồi tập trung nghiên cứu để phục vụ cho việc xin được học bổng thì tương lai mới sáng sủa hơn nhưng lại bị vợ trách không năng động, chẳng chịu làm thêm tăng thu nhập. "Cô ấy hay so sánh, bảo cùng là giảng viên, bao người chịu khó dạy thêm hay làm nghề tay trái vẫn kiếm được cả mấy chục triệu. Tôi nghe mà thấy máu nóng bừng bừng", anh kể về một trong những lý do vợ chồng mình hay cãi vã gần đây.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt (TP HCM) cho biết, thực tế tư vấn mấy năm gần đây, bà gặp rất nhiều cặp trục trặc, thậm chí dắt nhau ra tòa mà nguyên do liên quan tới việc chồng học cao nhưng lương thấp và cảm thấy bị vợ coi thường.
Lý giải điều này, bà cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. Với nam giới, những người tri thức thường nhạy cảm và có sĩ diện cao. Cộng với định kiến xã hội cho rằng đàn ông phải là trụ cột và người giỏi học hành thì cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn tạo cho họ áp lực nặng nề. Trong khi đó, thực tế thì không phải ai có học hàm, học vị cao cũng thành công trong công việc, có thu nhập tốt.
Chuyện học cao lương thấp là không hiếm. Nguyên do có thể vì tính cách cá nhân, chẳng hạn người có học vấn cao nhất định không chịu làm việc ở vị trí thấp, trung bình hay do khả năng ứng biến thiếu linh hoạt, không áp dụng được các kiến thức sách vở vào thực tế. Không ít người giỏi lý thuyết nhưng lại cứng nhắc trong cuộc sống, dễ tự ái khiến khó thăng tiến trong công việc, khi hay làm mất lòng sếp, ít được trọng dụng.
Về phía phụ nữ, thời nay, phụ nữ có nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, kiếm tiền, thăng tiến trong công việc hơn. Đòi hỏi về chất lượng cuộc sống của họ cũng cao hơn. Và thực tế cho thấy, không ít chị em khi có thành công thì tâm lý cũng thay đổi nhiều. Đôi khi sự kiêu hãnh và tự chủ, tự quyết của họ có thể làm tổn thương tới tự ái của người đàn ông vốn có máu gia trưởng. Người chồng khi bực bội, có cảm giác bị coi thường dễ kiếm chuyện, gây gổ với vợ. Khi đó, người phụ nữ cảm thấy chồng vô lý và càng không phục. Sự xung đột ngấm ngầm giữa hai bên như vậy có thể tích tụ ngày một nhiều, đến khi có sự việc nào đó xảy ra thì như giọt nước tràn ly, khiến họ không thể chịu đựng nhau nữa.
Theo bà Tâm, để hóa giải vòng khúc mắc này chỉ có cách vợ chồng tôn trọng và luôn nhắc nhau trong ứng xử để không bên nào quá trớn, đẩy mâu thuẫn lên trầm trọng. Chẳng hạn, nếu chồng thấy vợ có vẻ lấn lướt, tự đưa ra các quyết định mà không hề quan tâm tới ý kiến của chồng thì thay vì chỉ trích, móc máy "Sao cô dám làm như vậy? Cô giỏi quá rồi, có còn coi ai ra gì đâu!", hãy thủ thỉ: "Em ơi, dạo này em quên anh rồi à? Sao không bàn chuyện chi với anh hết, làm anh thấy buồn ghê"...
Nhà tâm lý cho rằng để tránh phá hủy mối quan hệ, vợ chồng đều cần hạ bớt cái tôi, lấy sự tôn trọng, cảm thông và tình thân để ứng xử với nhau thay vì phán xét người kia và giành phần đúng về mình. Một điều quan trọng nữa là hai vợ chồng cần cố gắng vươn lên để cùng nhau tiến bộ, như đôi dép luôn song hành, chiếc này bước lên thì chiếc kia cũng tiến thêm. Trường hợp một người đã bước quá xa trong khi người kia vẫn giậm chân tại chỗ, không theo kịp thì mối quan hệ sẽ ngày càng xa cách, khủng hoảng.
"Xã hội ngày nay có quá nhiều cám dỗ, nếu vợ chồng không tỉnh táo giữ gìn, cùng nhau vun đắp thì gia đình rất dễ đổ vỡ", bà Tâm bày tỏ.
Là thạc sĩ và có thu nhập chỉ bằng một nửa vợ nhưng anh Tiến (Đống Đa, Hà Nội) không hề cảm thấy "lép vế" và gia đình anh lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Bí quyết, theo anh, chính là ở nhận thức của cả hai vợ chồng về giá trị gia đình và cách sống, ứng xử của cả hai. "Tôi và vợ cũng có lúc ngầm đua trong cuộc thi kiếm tiền nhưng rồi cả hai nhận ra rằng như vậy chỉ thêm mệt mỏi và làm khổ con cái. Cô ấy tháo vát, năng động trong kinh doanh thì cứ phát huy khả năng đó. Tôi trở về làm công tác nghiên cứu, chấp nhận đồng lương thấp, đổi lại có nhiều thời gian dạy con học hành, chăm lo cho cha mẹ hai bên. Chúng tôi vẫn cùng nhau chia sẻ kiến thức, cùng tìm hiểu về lĩnh vực giáo dục và thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại", anh Tiến chia sẻ.