Doanh nghiệp vi phạm có nhiều “chiêu” đối phó với đoàn thanh tra
Thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra của ngành BHXH đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, đồng thời, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT là nhiệm vụ còn rất mới mẻ, nên rất nhiều BHXH tỉnh, thành gặp không ít những bỡ ngỡ, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Dẫn chứng cho những vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nam - Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, BHXH TP Hồ Chí Minh - cho biết, hiện đang có tình trạng nhiều DN sau khi thanh tra BHXH vào cuộc đã đóng phần nghĩa vụ nợ BHXH, BHYT trước đó, nhưng lại để chây ỳ khoản lãi chậm nộp. Bên cạnh đó, nhiều DN trước đây bị khởi kiện, bị thanh tra, nhưng khó xác định mốc thời gian làm căn cứ xử lý; hoặc có nhiều DN cố tình lánh mặt, né tránh không tiếp đoàn thanh tra…
Đây cũng là những “chiêu” mà các DN ở Hậu Giang dùng để đối phó với thanh tra, kiểm tra. Bà Quách Thị Bích Phượng - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Khi đoàn thanh tra BHXH đến thì họ lánh mặt không tiếp, nên rất khó lập biên bản vi phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này”.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan BHXH tỉnh Bình Phước cũng nêu khó khăn về việc không biết phải làm việc với đối tượng nào đối với các văn phòng đại diện, văn phòng thường trú của DN đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đáng chú ý, có những DN sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không chịu nộp phạt. Đối với những đơn vị này, cơ quan BHXH đều đề nghị phía ngân hàng xử lý theo các quy định về cưỡng chế tài khoản, song ngân hàng không thực hiện…
Nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam – cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc quản lý hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng như quản lý việc giải quyết đơn thư tốn nhiều thời gian và chưa khoa học. Đồng thời, nhiều đơn vị đóng sai đối tượng, trốn đóng, đóng thiếu mức, giải quyết hưởng sai chế độ cho người lao động (NLĐ) với số lượng lớn, nếu không ứng dụng CNTT sẽ tốn kém nhiều thời gian và cho kết quả rất hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng CNTT, xây dựng phần mềm trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là hết sức cần thiết.
“Hiện nay, Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí, yêu cầu quản lý nghiệp vụ. Từ đó, phối hợp với Trung tâm CNTT và Công ty Tecapro thiết kế phần mềm ứng dụng nhằm mục tiêu hiện đại hóa công tác. Theo đó, phần mềm sẽ giải quyết hai vấn đề: Hiện đại hóa công tác quản lý, giảm tải sử dụng văn bản giấy và sổ sách ghi chép tay; Tiết kiệm thời gian cho cán bộ trong công tác báo cáo, tổng hợp, hỗ trợ các tiện ích để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo” – ông Long cho biết thêm.
Là địa phương trực tiếp ứng dụng phần mềm trên, ông Dương Văn Hào - Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa - cho biết, chỉ bằng vài thao tác đơn giản và với thời gian chỉ vài phút, ông có thể kiểm tra tất cả hồ sơ, biên bản thanh tra, đơn thư khiếu nại, tố cáo mà các bộ phận nghiệp vụ chuyển đến. “Về cơ bản, bước đầu phần mềm đã giúp Phòng Thanh tra - Kiểm tra cũng như Giám đốc BHXH tỉnh xử lý nhanh chóng các tình huống. Về lâu dài, trong quá trình áp dụng, nếu có phát sinh vướng mắc, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để có báo cáo, đề xuất khắc phục nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ”- ông Hào chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong thời gian tới, ngành BHXH phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan các vấn đề, như: Diện bao phủ đối tượng tham gia, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, kỳ vọng của người dân ngày càng cao, việc thực hiện chăm sóc sức khỏe dài hạn, già hóa dân số và biến động thị trường lao động…
Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các tỉnh cần chú trọng rà soát, kiện toàn và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, cần phối hợp với các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam về việc xử lý các DN vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho NLĐ, người dân.