Nhìn lại diễn biến hoạt động này thời gian qua, có thể mô tả bằng cụm từ “nhanh - nhạy quá”. Chủ các sàn vàng tỏ ra rất nhạy bén với “thị hiếu” của người dân trong lĩnh vực đầu tư ảo. Những sàn vàng đầu tiên hoạt động nhanh chóng thu hút đông đối tượng tham gia giao dịch. Với dung lượng giao dịch hằng ngày lên đến hàng chục nghìn lượng vàng, tương đương giá trị hàng nghìn tỷ đồng, chủ các sàn vàng thu được lợi nhuận đáng kể từ phí giao dịch. Lợi nhuận cao hấp dẫn các nhà tài phiệt đầu tư vào lĩnh vực này và số lượng sàn vàng cũng vì thế mà liên tục tăng lên.
Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Chính phủ, hiện trên cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức theo 4 dạng: do ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng như Trung tâm giao dịch vàng Á Châu, Phương Nam, Sacombank, Việt Á...; do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm giao dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...; do các tổ chức cùng với ngân hàng tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, như Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam...; do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Ðạt... Tuy nhiên, lợi nhuận lớn bất thường từ hoạt động kinh doanh sàn vàng tự thân chứa đựng mâu thuẫn, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong lĩnh vực này nói riêng và lĩnh vực tiền tệ, kinh tế vĩ mô nói chung.
Lợi nhuận cao vì đó là lĩnh vực kinh doanh mới, đến nỗi chưa có chế tài nào điều chỉnh trực tiếp và đầy đủ đối với lĩnh vực này và cũng vì thế mà các sàn vàng hoạt động một cách tùy kiến theo hướng có lợi nhất cho mình, đẩy vị thế chịu rủi ro nghiêng về phía khách hàng.
Lợi nhuận cao cũng vì thời điểm kinh doanh “phù hợp”. Điều kiện kinh tế thế giới khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước suy giảm lẽ thường kích thích nhu cầu nắm giữ vàng và do vậy đẩy giá vàng thế giới cũng như trong nước tăng cao. Giá vàng liên tục tăng nóng là nguyên nhân trực tiếp kích thích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo quy luật, giá vàng đã tăng nóng thì cũng có nghĩa là nó sẽ điều chỉnh bất cứ lúc nào và khi đó, không ít nhà đầu tư chắc chắn phải trả giá, bởi đơn giản tiền thu được từ hoạt động mang tính đầu cơ không tự nó sinh ra.
Một hoạt động kinh doanh đối với lĩnh vực nhạy cảm trong thời điểm nhạy cảm nhưng lại không dựa trên một nền tảng pháp lý đầy đủ và sự phát triển tương xứng của thị trường mặc nhiên chứa đựng hai lần rủi ro. Rủi ro có thể xảy ra là không chỉ đối với giới đầu tư mà nguy hiểm hơn là đối với hệ thống tài chính - tiền tệ bởi kinh doanh vàng trên tài khoản có liên quan đến cung cầu tiền tệ quốc gia.
Nền tảng duy nhất của hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản có lẽ chỉ là niềm tin. Tính ảo của hoạt động đầu tư này thể hiện ở mô hình giao dịch. Tại một số sàn vàng ở Việt Nam, khách hàng muốn tham gia kinh doanh chỉ cần ký quỹ một lượng tiền rất nhỏ (7%) giá trị giao dịch số còn lại được ngân hàng (phục vụ sàn vàng) cho vay và như vậy người kinh doanh có thể thực hiện lệnh mua (bán) gần gấp hơn 14 lần lượng vốn mình có.
Trước tình hình đó, có thể thấy, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một quyết sách đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, khi mà tiềm ẩn rủi ro của sàn vàng bắt đầu hiển hiện, đòi hỏi cần tăng cường sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này. Bởi các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng đều có ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo quyết định số 3/2006/QĐ-NHNN ngày 18-1-2006. Thủ tướng cho biết, ngay cả ở Trung Quốc, nơi có thị trường tài chính lớn và dày dạn kinh nghiệm hơn chúng ta cũng chỉ có duy nhất đơn vị được phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài, trong khi Việt Nam có tới 11 đơn vị.
Hoạt động giao dịch ký quỹ nói chung là một trong những cách thức tăng cường tính thanh khoản cho các thị trường. Sắp tới, giao dịch ký quỹ trên thị trường chứng khoán có thể sẽ được thông qua trên cơ sở đã hội đủ các điều kiện pháp lý, kỹ thuật và kiến thức phù hợp. Tương tự, giao dịch vàng ký quỹ cũng có thể sẽ được Chính phủ chấp thuận trong tương lai nhưng chỉ khi đã hội đủ các điều kiện phù hợp để bảo đảm cho hoạt động này đạt được mức độ hiệu quả và an toàn cần thiết nhất định.
Quang Huy