Cách đây 65 năm, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 1. Trải qua gần 12 nhiệm kỳ hoạt động, dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Quốc hội (QH) đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam, đồng chí Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng.
Hoạt động nghị trường là điểm nổi bật khẳng định trí tuệ, tinh thần người đại biểu nhân dân quê hương Đà Nẵng. Trong ảnh: Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.
|
* Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, nhân kỷ niệm 65 năm sự kiện trọng đại này, chúng ta có thể điểm lại những đóng góp của ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay trong suốt 12 nhiệm kỳ hoạt động của QH?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Mười hai nhiệm kỳ đã qua của QH là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử dân tộc, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 bầu QH khóa 1 của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, nhưng sự ra đời của cơ quan dân cử cao nhất có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta từ địa vị người dân thuộc địa vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, thành lập Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự kiện lịch sử này đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ đất nước có Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có QH do nhân dân trực tiếp bầu ra và có Hiến pháp mới của một nước Việt Nam độc lập.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã khẳng định niềm tin của nhân dân ta vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong sự thành công chung của QH Việt Nam, các vị ĐBQH quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng qua 12 khóa QH đã có những đóng góp rất quan trọng. Nhiều vị ĐBQH của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước, của thành phố đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, đưa đất nước ta, dân tộc ta nói chung và tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây, nay là thành phố Đà Nẵng vững bước tiến lên.
ĐBQH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong QH khóa I có 16 vị. Điển hình như đồng chí Lê Văn Hiến, Chủ tịch UBND Cách mạng thành phố Đà Nẵng năm 1945, là một trong số 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, đã từng giữ các chức vụ quan trọng của Nhà nước như Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao, Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tên tuổi của nhiều ĐBQH khóa I đã đi vào lịch sử Quảng Nam-Đà Nẵng như Lê Thị Xuyến, Lâm Quang Thự, Trần Tống, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Đình Tri, v.v…
Nhiều ĐBQH các khóa sau này của Quảng Nam-Đà Nẵng đảm nhận những trọng trách của Đảng và Nhà nước như: đồng chí Võ Chí Công, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Mai Thúc Lân, v.v…
Tên tuổi của nhiều vị ĐBQH Quảng Nam-Đà Nẵng đã đi vào lịch sử quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đó chính là những tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo, học tập và trưởng thành.
* P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự đóng góp cho hoạt động của QH của các ĐBQH của thành phố Đà Nẵng qua các khóa X, XI, XII, từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Hoạt động của QH nói chung và Đoàn ĐBQH thành phố nói riêng trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhất là từ nhiệm kỳ khóa X, kể từ năm 1997 đến nay có điều kiện, cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân một cách hiệu quả. Đoàn ĐBQH thành phố qua các khóa không ngừng đổi mới, cải tiến, chú trọng về chất lượng công tác tham gia xây dựng pháp luật. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý các dự án luật tập trung vào những vấn đề lớn của dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ, thể chế hóa bằng luật pháp.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đổi mới theo hướng chuyên sâu, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước mà nhân dân và công luận quan tâm phản ánh, được cử tri cả nước tập trung theo dõi. Những quyết định quan trọng mang tầm chiến lược của đất nước đều được QH tập trung thảo luận một cách thận trọng với nhiều ý kiến phản biện đa chiều, có chất lượng cao. Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố ngày càng được nâng cao.
Công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH thành phố được tiến hành thường xuyên, liên tục và bảo đảm tính hiệu quả. Sau giám sát, Đoàn luôn có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những trường hợp khiếu nại kéo dài, phức tạp, đem lại lòng tin cho nhân dân. Ngoài ra, các vị ĐBQH trong Đoàn đều tích cực tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong nhiều lĩnh vực, và ở các địa phương khác nhau, góp phần quan trọng vào sự thành công chung trong hoạt động QH.
* P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động nghị trường của Đoàn ĐBQH thành phố?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Từ các kỳ họp QH, qua những phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động nghị trường là điểm nổi bật nhất của QH và Đoàn ĐBQH, thể hiện vai trò, vị trí của người đại biểu nhân dân - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, ngay tại diễn đàn QH, các thành viên của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã có ý thức trách nhiệm và tập trung tâm huyết nghiên cứu để có nhiều bài phát biểu, nhiều ý kiến chất vấn làm sôi động nghị trường, vừa chuyển tải được nguyện vọng của cử tri, vừa khẳng định trí tuệ, tinh thần người đại biểu nhân dân quê hương Đà Nẵng. Ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH Đoàn Đà Nẵng tại các kỳ họp QH đều đạt chất lượng tốt, có tính phản biện cao, chỉ ra được nhiều vấn đề còn bất hợp lý của các đề án, dự án luật, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công luận chú ý, đánh giá cao, được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
* P.V: Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH thành phố đã thực sự có hiệu quả ?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri (TXCT), Đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, quận, huyện, xã, phường tổ chức TXCT theo chuyên đề, theo từng nhóm đối tượng, theo giới; thường xuyên thực hiện luân chuyển địa bàn TXCT của các vị đại biểu QH… thu hút được đông đảo cử tri tham dự và phản ảnh nhiều ý kiến, kiến nghị có chất lượng. Thông qua TXCT, những kiến nghị xác đáng của nhân dân đã được chính quyền địa phương, các ban, ngành tham gia giải trình, làm rõ và có hướng xử lý triệt để. Nhiều vấn đề bức xúc được lãnh đạo Đoàn ĐBQH với tư cách là lãnh đạo chủ chốt của thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm và Đoàn thực hiện giám sát việc giải quyết.
Đối với các ý kiến chưa được giải quyết, Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết. Qua ý kiến của cử tri tại các buổi TXCT, nhiều chủ trương, chính sách mới của thành phố được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thành phố. Vì vậy, Đoàn ĐBQH thành phố đã nhận được sự tín nhiệm, đồng tình và đánh giá cao của cử tri. Những kết quả mà Đoàn ĐBQH thành phố đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào. Song, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Chính vì vậy, đòi hỏi hoạt động của QH nói chung, Đoàn ĐBQH thành phố nói riêng cần phải tiếp tục đổi mới, cải tiến hơn nữa để ngày càng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ người đại biểu nhân dân, xứng đáng với lòng tin cậy và sự tín nhiệm của cử tri thành phố.
* P.V: Cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn
Đoàn Sơn (Thực hiện)