Hoạt động của TTHTCĐ mang tính an sinh xã hội cao, phù hợp với các đối tượng thiệt thòi trong xã hội không có điều kiện, tạo cơ hội học tập cho mọi người tại địa phương. Vì vậy các TTHTCĐ nên được duy trì, sắp xếp lại tổ chức, sao cho hoạt động thực sự có hiệu quả.
Trung tâm học tập cộng đồng xã Đồng Minh có sức chứa khoảng 300 người nhưng cũng trong tình trạng thưa vắng các hoạt động |
Chưa rõ trách nhiệm
Khi thành lập, hoạt động của TTHTCĐ do UBND xã quản lý, Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng dẫn về chuyên môn và trực thuộc Sở Giáo dục đào tạo. Việc quản lý, hướng dẫn hoạt động của TTHTCĐ xem ra chưa rõ trách nhiệm. UBND xã, thị trấn quản lý TTHTCĐ về cơ sở vật chất, con người, nhưng không quản lý về chuyên môn (hoạt động của các lớp học, lớp tập huấn). Phòng giáo dục các địa phương chịu trách nhiệm về giáo viên giảng dạy, xây dựng chuyên đề. Nhiều lãnh đạo UBND xã cho rằng, không có TTHTCĐ thì hằng năm, các đoàn thể vẫn tổ chức các lớp tập huấn. Chính vì lẽ đó mà Ban quản lý TTHTCĐ chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương chưa quan tâm đúng mức.
Bà Đặng Thị Minh, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện An Lão cho biết: Từ năm 2009, mảng chuyên môn của các TTHTCĐ được giao về Phòng Giáo dục Đào tạo. Thêm việc nhưng phòng không có thêm biên chế, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, không thể quán xuyến hết. Thêm nữa, hoạt động của Phòng Giáo dục với UBND các xã là hoạt động phối hợp, phòng chỉ hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn chứ không thể chỉ đạo, yêu cầu. Một cán bộ thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, từ khi thành lập, với mục đích tốt đẹp là xây dựng xã hội học tập, nhưng thực tế các TTHTCĐ chưa làm được điều đó. Các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động trong tình trạng thiếu văn bản chỉ đạo, thiếu sự đôn đốc, phối hợp của các ngành, địa phương. Tới đây, Sở Giáo dục -Đào tạo sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động của các TTHTCĐ để có những đánh giá khách quan và toàn diện mô hình sau nhiều năm triển khai hoạt động. Ông Đỗ Xuân Trịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho rằng, việc quản lý hoạt động của các TTHTCĐ hiện nay chưa phân rõ trách nhiệm cho cấp nào? Xã quản lý về cơ sở vật chất, có Ban chỉ đạo hoạt động, phòng giáo dục hướng dẫn về chuyên môn nhưng sự phối hợp thiếu chặt chẽ. Mô hình ít được sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lửng lơ trách nhiệm như hiện nay, cả địa phương lẫn ngành quản lý đều không mặn mà.
Ban chủ nhiệm, cán bộ phụ trách trung tâm ít khi được tập huấn kỹ năng về quản lý và phát triển hoạt động của TTHTCĐ. Các tài liệu, văn bản liên quan hướng dẫn về hoạt động của trung tâm cũng ít nên các TTHTCĐ vừa làm vừa rút kinh nghiệm là chính. Chúng tôi mong muốn được tham gia các lớp tập huấn, trang bị kiến thức quản lý, phương pháp tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng TTHTCĐ, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
|
Sắp xếp lại mô hình để hoạt động hiệu quả
Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng được yêu cầu của người dân về tạo cơ hội giao lưu học tập, tập huấn kiến thức, chuyển giao KHKT, nhất là ở những xã xa trung tâm huyện, thành phố. Hoạt động của trung tâm còn có ý nghĩa xã hội, liên quan thiết thực đến vấn đề an sinh xã hội, về lâu dài cần duy trì hoạt động của mô hình.
Hiện nay, ban chỉ đạo tại các địa phương rất cồng kềnh, đông nhưng không hiệu quả. Các thành viên ban chỉ đạo hầu hết kiêm nhiệm nhiều việc, hoạt động không có kinh phí, thù lao, không phát huy vai trò trách nhiệm. Bởi công việc là chung nên dẫn đến tình trạng "ai cũng có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại không thuộc về riêng cá nhân nào". Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo địa phương và thành viên trong ban chỉ đạo, mô hình phù hợp nhất hiện nay để trung tâm hoạt động có hiệu quả chỉ cần 1-3 người trong đó cán bộ chuyên trách được hưởng phụ cấp. Ban chủ nhiệm có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm, hằng tháng, bố trí sắp xếp các lớp tập huấn theo chuyên đề. Như vậy, mọi hoạt động cộng đồng theo đúng nghĩa của địa phương sẽ tập trung về một mối, có người quản lý, điều hành và cũng phát huy tinh thần trách nhiệm cá nhân.
Hoạt động của TTHTCĐ không được hỗ trợ kinh phí từ các cấp nên "khó mọi bề". Theo ông Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo), khi tổ chức bất kỳ hoạt động nào cũng cần kinh phí, ít nhất là có nước uống cho người dân, thù lao hỗ trợ người giảng dạy, tài liệu học tập... Nhưng với điều kiện ngân sách xã eo hẹp, không thể hỗ trợ cho tất cả các hoạt động. Địa phương không chủ động bố trí các lớp học, lớp tập huấn. Các TTHTCĐ đều mong muốn được hỗ trợ kinh phí hằng năm để chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động. Khi được hỏi về việc bố trí kinh phí cho hoạt động này, nhiều lãnh đạo UBND xã, huyện đều chung ý kiến "không thể chi, vì địa phương không có kinh phí và không có hướng dẫn cụ thể".
Do vậy, cần thiết bố trí, sắp xếp lại hoạt động của trung tâm cho hiệu quả, đầu tư vào mảng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền pháp luật... với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ và nhận thức của người dân.
Bài và ảnh: Phương