Hoàng thành Thăng Long- Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt

Sự kiện khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thêm một lần nữa ghi nhận những giá trị văn hóa tinh thần vô giá mà ông cha đã để lại trên mảnh đất mà ngày nay chúng ta đang sống, giữ gìn và phát triển - mảnh đất có bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến.

Sự kiện khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thêm một lần nữa ghi nhận những giá trị văn hóa tinh thần vô giá mà ông cha đã để lại trên mảnh đất mà ngày nay chúng ta đang sống, giữ gìn và phát triển - mảnh đất có bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến.

 

Sau Khu di tích Cố đô Huế, đến Phố cổ Hội An, Khu thánh địa Mỹ Sơn, giờ đây là Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trở thành Di sản văn hóa thế giới. Chúng ta còn có vịnh Hạ Long và động Phong Nha Kẻ Bàng đã được công nhận là di sản của thế giới về thiên nhiên. Đó là những sự kiện đáng tự hào. Và, sau mỗi một sự kiện lớn, tự hào về đất nước, con người Việt Nam, ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử của di sản mà ông cha để lại, cũng như của thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước mình.

 

Sau những phút giây ngập tràn niềm vui sướng khi Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trở thành Di sản văn hóa thế giới, lại đến khoảng lặng nghĩ về tương lai, nghĩ về những công việc phải làm để bảo tồn và phát huy cao nhất giá trị của di sản quý giá. 

 

Những người được giao trách nhiệm nghiên cứu, quản lý, bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng có không ít băn khoăn, trăn trở.

 

Khu di sản nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị của Việt Nam . Vị trí này bảo đảm hoàn toàn cho công tác bảo tồn di tích trước sức ép về sự phát triển dân cư và kinh tế vì khả năng về phát triển thương mại và dân cư ở phạm vi trong khu vực và gần kề Khu di sản đã được loại bỏ.

 

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ trung bình trong năm là 23,6 độ C, lượng mưa trung bình 1.800 mm; độ ẩm khá cao là điều kiện phát triển nhanh các loại rêu, nấm, đe dọa trực tiếp đến các di tích đã xuất lộ. Vấn đề giảm thiểu độ ẩm và cường độ chiếu sáng để giữ khô ráo những di tích cố định ngoài trời hiện đang được thực thi bằng phương pháp che bạt kín hoặc lấp cát. Cách chống rêu, nấm cũng đang được thực hiện theo cách làm dân gian. Để chống nước mưa cũng như các mạch nước ngang trong khu di tích khảo cổ 18 đường Hoàng Diệu đã được thực hiện từ mấy năm nay với việc làm mái che bằng nhựa cùng với việc làm cống, rãnh thoát nước. Những hiện vật bằng gỗ, kim loại, hiện vật bằng chất hữu cơ… được tập trung bảo vệ theo chế độ bảo tàng. Một dự án về việc xây dựng một Trung tâm bảo tồn ngay tại Khu di tích được đệ trình lên cấp thẩm quyền với mong muốn vừa bảo vệ hiệu quả các di vật, vừa phục vụ cho khách thăm quan.

 

Do Khu di tích khảo cổ học 18 đường Hoàng Diệu là nơi chứa đựng một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc và di vật khảo cổ nằm trong những lớp địa tầng chồng xếp lên nhau trên một diện tích 19.000 m2 nên vấn đề bảo tồn luôn phải được quan tâm thường trực. Đặc biệt, đối với những dấu tích kiến trúc đang được bảo tồn nguyên gốc tại chỗ trong khu khai quật như: nền móng kiến trúc, phần chân còn lại của tường thành hay những công trình nhà ở; vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, gỗ, đá, đất nung, đồ gốm…; hệ thống các giếng cổ, dấu vết những lối đi lát gạch, rãnh thoát nước…cần được bảo vệ trong một kế hoạch tổng thể và bền vững.

 

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng phải chịu sức ép về khách du lịch. Bình quân trong gần chục năm trở lại đây, Hà Nội đón 1 triệu lượt khách/năm. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long mặc dù mở cửa đón khách hạn chế nhưng tới 375.000 lượt khách đến thăm trong thời gian từ tháng 10-2004 đến tháng 4-2008. Trong tương lai gần, khi mở cửa đón khách, Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long chắc chắn sẽ thu hút được một số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần lập quy hoạch quản lý du lịch, nắm chắc lượng khách đến khu di tích, từ đó chủ động trong công tác bảo vệ, nhất là với khu di tích khảo cổ học 18 đường Hoàng Diệu.

 

GS sử học, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê cho rằng, cần có những phương án bảo tồn khẩn cấp; vì từ khi phát lộ, khu di tích khảo cổ học 18 đường Hoàng Diệu – một phần của Khu Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã thay đổi hàng ngày, hàng giờ theo chiều hướng xuống cấp do sự nghiệt ngã của môi trường và thiên nhiên.

PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng chung quan điểm với GS. Phan Huy Lê, ông nhấn mạnh: Bảo tồn như thế nào trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với khí hậu nhiệt đới gió mùa đối với những di vật đã được phát lộ. Các nhà nghiên cứu phải tiếp tục công việc của mình trong suốt một thời gian dài nữa để hoàn thiện về một ý tưởng của một quần thể di tích với Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là trung tâm. PGS-TS Trần Đức Cường còn mong muốn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sớm được mở rộng cửa đón mọi người trong nước và nước ngoài đến tham quan, vì phát huy giá trị di sản, quảng bá, tuyên truyền về di sản là một trong những hoạt động tích cực và hiệu quả cho công tác bảo tồn, bảo tàng di sản.

 

Trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thành dự án tổng thể về nghiên cứu, bảo quản, bảo tồn cấp thiết các loại hình và di tích kiến trúc dưới lòng đất và các loại hình di vật đặc biệt tại khu di tích khảo cổ 18 đường Hoàng Diệu. Cùng với Luật Di sản Văn hóa của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Qui định trách nhiệm thực hiện với các quốc gia có di sản thế giới…, bài toán về bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa thế giới chắc chắn sẽ tìm được lời giải từ sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu với những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, cũng như sự ủng hộ của nhân dân dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ.              

 

Công Hải

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.