Cổng Đoan Môn là cổng thành phía Nam uy nghi và cổ kính tại Hoàng thành Thăng Long. |
Cổ kính Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Tháng 7 năm 1010 vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội). Ông là người đã đổi tên Đại La thành Thăng Long, mở đầu cho thời kỳ huy hoàng kéo dài ngàn năm qua.
Một góc nhỏ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long (cổng Hành Cung góc phải). |
Hoàng thành Thăng Long nằm ở 19C Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội với tổng diện tích hơn 18,000 ha. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhiều di tích bên trong Hoàng thành đã bị chiến tranh phá hủy. Đến ngày nay, chỉ còn sót lại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, Rồng đá điện Kính Thiên, Nhà con Rồng, nhà D67 và Cột Cờ Hà Nội.
Nhà D67 là một công trình kiến trúc quân sự giản dị nhưng giá trị sử dụng rất cao. |
Di tích Hoàng thành được bao quanh bởi 4 con đường: phía đông là đường Nguyễn Tri Phương, phía tây là đường Hoàng Diệu, phía nam là đường Điện Biên Phủ và đường Phan Đình Phùng nằm ở phía Bắc.
"Vươn mình" trên bản đồ du lịch của giới trẻ
Đi một vòng quanh khu di tích Hoàng thành Thăng Long, không khó để bắt gặp những nhóm bạn trẻ đến đây để tham quan, tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử của dân tộc.
Các bạn sinh viên năm nhất ngành Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội) tham quan di tích Nhà và hầm D67. |
Sinh viên chăm chú quan sát những hiện vật lịch sử. |
Trần Quỳnh Trâm, sinh viên năm nhất ngành Việt Nam học (Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết khu di tích này trở thành địa điểm thú vị để bạn tìm hiểu: “Mình ngày càng quan tâm đến lịch sử nhiều hơn, muốn tìm về lịch sử, tìm về cái công trình kiến trúc lớn mà ông cha đã xây dựng. Việc thăm quan này sẽ giúp mình nâng cao hiểu biết để phục vụ cho việc học cũng như là công việc sau này của mình”.
Trần Quỳnh Trâm, sinh viên năm nhất ngành Việt Nam học đứng cạnh di tích Nhà và hầm D67. |
Hoàng thành có không gian cổ kính, linh thiêng bao gồm những di sản, hiện vật trên mặt đất và cả những di tích khảo cổ vẫn đang được tìm kiếm trong lòng đất. Đây cũng là một trong những chủ đề thú vị và hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ.
Chia sẻ về trải nghiệm lần đầu đến Hoàng thành Thăng Long, Đinh Thiện Linh, sinh viên Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội bày tỏ: “Nơi đây tuy là một công trình lịch sử quan trọng nhưng nó không hề ngột ngạt, khó chịu, bí bách, mà thay vào đó là một không gian rất xanh, thoáng mát, không khí trong lành, mang lại cho mình cảm giác thoải mái được hòa hợp với thiên nhiên”.
Đinh Thiện Linh sinh viên khoa Lịch sử đứng cạnh di tích Hậu Lâu. |
Ngoài ra, khi lựa chọn địa điểm này để tham quan, đối với Thiện Linh, Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa rất to lớn, giúp anh có thể tìm hiểu về lịch sử đất nước và lịch sử cung đình thông qua những hiện vật có thể nhìn thấy. Từ đó, càng thêm trân trọng các giá trị truyền thống mà cha ông ta đã truyền lại qua hàng ngàn đời nay.