Ưu điểm nổi bật nhất là các trường có số tuyển bằng chỉ tiêu thì không cần tổ chức thi tốn kém, học sinh cũng không phải trải qua một kỳ thi không cần thiết. Tuy nhiên, ở cấp THCS, quy định này đã nảy sinh một số vấn đề và hiện Bộ GD&ĐT cũng đang tìm cách tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp ở THCS.
Với một số trường tạm gọi là có dịch vụ chất lượng cao có số học sinh đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu họ sẽ tuyển. Vậy những trường đó sẽ phải tuyển sinh thế nào nếu không được phép tổ chức thi?.
Theo ông Chuẩn, hướng giải quyết vẫn phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản, THCS là cấp phổ cập nên không thi tuyển vào, đảm bảo quyền lợi được học ngay trên địa bàn cho tất cả học sinh đúng tuyến. Nhưng Bộ GD&ĐT vẫn sẽ xét đến các trường hợp cá biệt và những trường đó phải xây dựng phương án rồi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã thực hiện những công văn hướng dẫn để hạn chế tình trạng các đơn vị tổ chức quá nhiều các kì thi. Bộ GD&ĐT quy định chỉ cộng điểm cho các cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức và cho phép. Đa số dư luận ủng hộ vì nhận thấy điều này hạn chế được những tiêu cực phát sinh từ thực tế.
Về phía phụ huynh học sinh lại không ít băn khoăn bởi sau 5 năm tiểu học mà đến mấy lần thay đổi phương pháp đánh giá thường xuyên. Và đến giờ họ vẫn chưa rõ năng lực chính xác của con mình đến đâu, bởi bài kiểm tra con chỉ có lời khen, không có điểm số. Cùng với đó, theo quy chế tuyển sinh trước đây, năm nào gia đình cũng “săn” các cuộc thi để cho con tham gia. Từ thi tiếng Anh, Toán học, thể thao... để đủ “hành trang” cho con xét tuyển vào trường THCS tốt. Với dự kiến thay đổi quy định tuyển sinh lớp 6 của Bộ, thay vì “săn tìm” các cuộc thi có lẽ gia đình phải cho cháu đi học thêm kiến thức để vượt qua được kỳ thi kiểm tra năng lực của các trường THCS top trên. Và họ thực sự mệt mỏi với các cuộc “rượt đuổi” bất tận…
Đồng quan điểm này, thầy Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, không nên thay đổi lệnh “cấm thi” bởi nó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, trong đó có đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh về hoạt động giáo dục, hạn chế bớt việc ứng thí, thi cử không cần thiết, hướng tới một nền giáo dục thực dạy, thực học, bình đẳng, công bằng, con em bớt áp lực ứng thí, học hành…