Hoang mang sợ “động long mạch” vì mộ bà chúa Trịnh bị trộm

Cổ mộ tan hoang sau đêm bị đào trộm
Cổ mộ tan hoang sau đêm bị đào trộm
(PLO) - Ngôi mộ cổ có niên đại gần 300 năm tuổi được người dân thôn Thị Trung (xã Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên) sùng kính và truyền tụng là mộ bà chúa Trịnh sau một đêm bỗng tan hoang vì bị đám người trộm mộ đào xới.
Những kẻ đào mộ hành động “như chốn không người” khi ngang nhiên giăng điện sáng trưng, còn sử dụng cả máy xúc để đào đất… Người dân phẫn nộ, bức xúc trước hành vi vô nhân đạo của đám trộm mộ, nay lại thêm hoang mang bởi vị trí ngôi mộ cổ từ lâu nay được cho là“long mạch” của làng.
Ngang nhiên mắc điện, thuê máy xúc đào mộ cổ
Một nhân chứng làm nghề đánh cá ban đêm cho biết, khoảng 23h ngày 19/11, ông thấy một chiếc máy xúc lừ lừ tiến vào khu nghĩa trang thôn Thị Trung, đỗ sát mộ bà chúa Trịnh. 
Nghĩa trang thường ngày vốn âm u, tĩnh lặng, giờ sáng rực một góc cùng tiếng ồn ào của máy móc và đám người lạ mặt. Qua ánh điện, nhân chứng nhìn thấy một nhóm gần chục người hì hục đào bới mộ bà Chúa. 
Do ngôi mộ quá cứng, chúng phải dùng máy xúc để xới tung ngôi mộ và phá vỡ nắp áo quan. Một chiếc ôtô 7 chỗ màu trắng chờ sẵn ngay cạnh đó, vận chuyển tất cả những thứ chúng đào được từ mộ.
Nhân chứng còn nhìn thấy rõ áo quan có hai lớp, lớp ngoài vẫn nguyên màu sơn son thiếp vàng, vỏ khá dày khoảng 8 - 10cm, dài khoảng 2,5m, rộng và cao khoảng 50cm. Lớp trong nguyên màu gỗ, mỏng hơn lớp ngoài khoảng 2 - 3cm, được đóng đinh sắt nhưng đã hoen gỉ. 
Nhóm trộm đào đến khoảng 1h ngày 20/11 thì việc hoàn tất. Cả đám người khẩn trương, khi tách được các tấm gỗ ván thiên rời ra, xúm lại khiêng lên xe rồi nhanh chóng đi mất.
Hỏi tại sao chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối mà không có biện pháp gì ngăn cản, nhân chứng cho biết hầu hết những kẻ đào mộ đều là thành phần bất hảo trong xã. Vì sợ hãi nên người này không dám nói năng cũng như không dám báo ngay với chính quyền. Tuy nhiên sau đó, khi lực lượng chức năng về làm việc, ông đã dũng cảm cung cấp mọi thông tin mình biết cho cảnh sát.
Trở lại vụ việc, ông Lê Văn Tỷ (SN 1936), người trông coi nghĩa trang kể lại: “Đêm hôm đó, tôi nghe tiếng máy xúc chạy ầm ầm ngoài đường, tôi tưởng gia đình nào thuê máy xúc đào móng nhà hay làm việc gì đó nên không để ý. Sáng ra mới nghe tin mộ bà Chúa bị đào trộm. Dân làng chúng tôi bức xúc lắm, việc chúng đào mộ Chúa là đào vào “long mạch” của làng. Đáng tiếc vì tôi đã quá coi thường, không nghĩ bọn bất lương lại liều lĩnh, ngang nhiên đến thế. Nếu phát hiện sớm sự việc, chỉ cần hô một tiếng, dân làng sẽ đánh cho bọn chúng nhừ tử”.
Theo một số nguồn tin, sau khi lấy sạch đồ trong mộ cổ, đám đào mộ thuê một người nghiện ma túy trong làng làm nhiệm vụ cho xương sọ và xương các bộ phận như chân, tay vào một chiếc tiểu nhỏ, chôn cất lại đúng vị trí, thắp hương cẩn thận. Người lái máy xúc và một vài người nữa đều là người trong xã, về sau cùng. 
Ngôi mộ bị đào trộm nằm ngay sát đường bê tông liên thôn, xung quanh có hàng trăm ngôi mộ khác được chôn cất từ nhiều đời nay. Tại vị trí ngôi mộ bị đào trộm có nhiều vết răng của gầu máy xúc đào xới, các tảng đất trộn bị cào lên thành từng mảng lớn, chồng chất quanh mộ cổ. 
Hiện trường còn vương vãi những mảnh gỗ quan tài, bao tay dùng để cất mộ. Nhóm người đào trộm mộ lấp đất lại sơ sài và thắp lên đó vài nén hương. Hiện các lực lượng chức năng đã mặt điều tra vụ việc, các cơ quan ban ngành văn hóa, khảo cổ về lấy mẫu đất đá, quan tài… để xác định niên đại. 
Làng lo ngay ngáy vì long mạch bị phá vỡ
Một cao niên trong thôn cho biết: “Thuở còn nhỏ chăn trâu, cắt cỏ ngoài bãi nghĩa địa, chúng tôi đã thấy mộ cổ nằm ở đây. Nghe ông cha kể thì đó là mộ bà Chúa Trịnh”. 
Tương truyền bà chúa Trịnh là một cung phi xinh đẹp của Chúa Trịnh Sâm. Sau khi mất, bà được an táng ở làng vì mảnh đất này là nơi đắc địa, phong thủy đẹp. 
Nhà Chúa còn cử hẳn một viên quan về đây trông coi mộ bà. Khi viên quan này mất, dân làng lập miếu thờ, hương khói, phúng viếng đều đặn vào các ngày mùng 1 và 15 Âm lịch hàng tháng. Cả miếu quan và mộ bà Chúa đều là nơi dân làng rất coi trọng, gìn giữ.
Theo người trong làng, mộ bà Chúa Trịnh nằm ở vị trí phong thủy đẹp, trên mảnh đất này có hình thế của rồng. “Khu đất có ngôi mộ cổ của bà Chúa được gọi là “đống Năng”, nằm giữa “đống Đâu” và “đống Chuyền”. Phía trước là “mạch rồng”, phía sau là cổng làng. Ngôi mộ nhìn bề nổi giống hệt hình mai rùa nằm theo hướng Tây – Đông,  giống chiều nằm thuận của cơ thể người đã mất”, một người già giải thích. 
Đầu ngôi mộ hướng về phía làng, chân mộ đặt trước “mạch rồng” có chiều dài khoảng 4m, chiều rộng khoảng 2m, nhô cao khoảng 1m so với mặt đất. 
Tích xưa kể, có một cô Tiên gánh đất qua địa phận của làng không may đứt gánh, hai gánh đất rơi xuống tạo thành “đống Đâu” và “đống Chuyền”, cô Tiên không đi được nữa, sau khi chết hóa thành mai rùa. Câu chuyện dân gian vẫn được người làng kể lại và truyền từ đời này qua đời khác.
Như vậy, chỉ qua lời truyền tụng của dân làng,  ngôi mộ cổ đã có trên 300 năm tuổi. Khoảng năm 1970 -1971, thôn Thị Trung tiến hành làm đường liên thôn chạy sát cạnh ngôi mộ cổ nên ai đi qua cũng có thể nhìn thấy. Vào năm 1979, mộ cổ đã từng bị một số kẻ gian đục thủng một lỗ bằng mũ cối phía chân bên phải. 
Khi phát hiện, miệng lỗ có rất nhiều bông trắng, bã chè và một số tấm vải nhỏ. Người làng vội vã họp bàn làm lễ đưa tất cả các đồ vật đó vào trong mộ như cũ, rồi bịt lỗ thủng lại. 
Việc động chạm tới các ngôi mộ nếu làng phát hiện sẽ bị phạt vạ rất nặng, ngày xưa còn có thể bị trục xuất khỏi làng. Vậy nên, từ trước tới giờ, ngôi mộ bà Chúa được người làng trọng vọng, tôn thờ, những ngày lễ, tết, rằm…, đều được cúng bái trang nghiêm.
Chủ mưu là "con buôn" đồ cổ ở Bắc Ninh?
Khi biết tin mộ bà Chúa bị đào trộm, không chỉ người trong xã mà cả người dân các địa phương lân cận cũng tỏ thái độ bức xúc. Người ta chen lấn đứng chật cả khu nghĩa trang, lên án hành động phi pháp, vô nhân tính của bọn đào trộm. 
Nhiều người cho rằng mộ bà Chúa nằm ở nghĩa trang của làng nên nhiều năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đều được yên ấm, phồn thịnh. Nay mộ cổ bị đào xới, mộ lại nằm tại vị trí “long mạch”, người ta lo lắng sắp tới đây, những tai ương sẽ đến. 
“Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ vụ việc này, xử lý nghiêm kẻ cầm đầu và những kẻ đào trộm mộ. Cổ vật nào trong quan tài bà Chúa bị lấy đi phải trả lại đúng hiện trạng. Nếu luật pháp không làm nghiêm, người dân chúng tôi cũng không để yên cho bọn chúng”, một người dân bức xúc. 
Có sự dọa dẫm này bởi theo dư luận địa phương, một số những kẻ đào trộm mộ đã lộ diện. Họ đều là con em trong xã Đình Dù, nhiều đối tượng trong nhóm đào mộ từng có tiền án, tiền sự, là thành phần bất hảo tại địa phương. 
Dân làng đồn đoán, nhóm đối tượng này đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu bởi trước vụ việc một thời gian, chúng từng dùng cả máy dò kim loại để “thăm dò” rồi mới tiến hành đào trộm. Còn có nghi vấn kẻ thuê nhóm người đó là một tay buôn đồ cổ có tiếng ở Bắc Ninh. 
Trả lời những thông tin trên, ông Đỗ Hải Hậu, Phó Trưởng Công an xã Đình Dù cho biết: “Sau khi nhận được tin báo của trưởng thôn Thị Trung về việc ngôi mộ bà Chúa bị kẻ gian đào trộm trong đêm, chúng tôi đã cử lực lượng xuống bảo vệ hiện trường, đồng thời thông báo sự việc với Công an huyện Văn Lâm. 
Vì đây là ngôi mộ có niên đại hàng trăm năm, chính quyền địa phương cũng báo cáo sự việc với Phòng Văn hóa huyện Văn Lâm và Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Chiều cùng ngày, đại diện các cơ quan này đã trực tiếp về khu mộ bị đào xới để tìm hiểu, xác minh”.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.