Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) kiểu “xôi đỗ” với nhiều bất thường ở đây đang khiến cư dân cũng như người dân thuộc diện mất đất phải sống trong cảnh “mếu dở”.
5 người trong gia đình ông Phúc phải sống chật chội gần 10 năm nay trong khi chờ được đền bù, GPMB |
Mặc dù là khu đô thị hiện đại nhưng vào giữa năm 2016, KĐT Ao Sào đã từng là điểm “nóng” khi được coi là KĐT “3 không” vì không có nước sạch, không có đường giao thông kết nối theo quy hoạch, không có công trình phụ trợ. Nhiều cư dân ở đây đã khá thất vọng khi đã trót bỏ hàng tỷ đồng để mua nhà liền kề ở đây nhưng cuộc sống không được như kỳ vọng, không như quảng cáo trước đó.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ích Vinh (cư dân khu TT 3.1 Ao Sào) cho biết, sau khi có sự phản ứng quyết liệt thì từ cuối năm 2016, cư dân ở đây mới có nước sạch để sử dụng. Nhưng từ đầu năm 2018, việc ung cấp nước sạch ở đây cũng rất phập phù. Còn các công trình phụ trợ, công trình công cộng như vườn hoa, bãi đỗ xe, nhà trẻ, mẫu giáo, hồ điều hòa, trung tâm thương mại…thì vẫn “bặt vô âm tín”.
Thậm chí, cả nhà hội họp của cộng đồng dân cư cũng không thấy đâu. Theo tìm hiểu của cư dân thì nguyên nhân của hiện trạng trên là do còn gần nửa diện tích KĐT vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Do vậy, nhiều công trình phụ trợ cùng 3 tòa nhà cao tầng được quy hoạch trong phạm vi đất chưa GPMB này cũng chưa thể xây dựng được.
Việc GPMB theo kiểu “xôi đỗ” như trên không chỉ khiến cư dân mua nhà ở đây bức xúc và cảm thấy thất vọng mà nhiều hộ dân trong diện mất đất cũng phải sống trong cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Trong đơn gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Ngọc Phúc (SN 1960, trú tại số nhà 70 ngách 143/74 tổ 37 phường Thịnh Liệt, một hộ gia đình có đất nằm trong phạm vi GPMB dự án KĐT Ao Sào) cho biết, nhiều năm nay, gia đình ông đã phải chịu cảnh “có đất mà không được xây nhà”. 5 nhân khẩu trong gia đình đã phải sống chen chúc, khổ cực trong một căn phòng chỉ khoảng 10m2, đã xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình mong mỏi và đã đề nghị nhiều lần với UBND quận Hoàng Mai cũng như chủ đầu tư để sớm lên phương án đền bù, làm thủ tục bàn giao mặt bằng để gia đình tạo lập chỗ ở mới. Tuy nhiên, thiện chí này của gia đình đều không được đáp ứng. Quá bức xúc về chỗ ở, gia đình tiến hành dựng nhà tạm trên đất đã được cấp sổ đỏ thì lại bị chính quyền cho là xây dựng trái phép nên tiến hành cưỡng chế phá dỡ.
Có thể nói, trường hợp của ông Phúc như trên là khá đặt biệt bởi ông không hề trây ì mà trái lại, cả gia đình đều mong sớm được đền bù, GPMB để bàn giao đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng không hiểu sao, nguyện vọng chính đáng, cần được khuyến khích này lại không được chủ đầu tư và chính quyền địa phương đáp ứng?
Được biết, từ năm 2016, sau những bức xúc của cư dân KĐT Ao Sào thì UBND quận Hoàng Mai đã tổ chức họp liên ngành và thống nhất cùng Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, các sở, ngành liên quan giải quyết nhiều vướng mắc tại dự án. Trong đó có yêu cầu chủ đầu tư chủ động phối hợp với UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt và các cơ quan chức năng của quận đẩy nhanh tiến độ GPMB phần diện tích còn lại (khoảng 29.647m2 chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và khoảng 1.400m2 đất công do UBND phường Thịnh Liệt quản lý) theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi có yêu cầu trên, việc GPMB đối với trường hợp như ông Phúc vẫn bị “dậm chân tại chỗ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phúc than thở, “gia đình tôi là gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa, được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý của Nhà nước. Chú ruột tôi là liệt sỹ mà hiện tôi là người thờ cúng. Bản thân tôi cũng tham gia kháng chiến và được tặng thưởng Huy chương nhưng dường như gia đình tôi đã bị chính quyền và chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, bỏ mặc trong tình cảnh tuyệt vọng, cực khổ”.
Bức xúc với cách thực hiện dự án KĐT Ao Sào, ông Phúc cho biết thêm, “bản chất vụ việc nằm ở chỗ, chỗ đất nào “ngon” (GPMB dễ, giá đền bù ít) thì chủ đầu tư tiến hành xây dựng nhà để bán, thu tiền luôn. Còn chỗ nào đền bù nhiều tiền hoặc không bán ra tiền (ví dụ như khu quy hoạch các công trình phụ trợ) thì bị bỏ mặc. Theo tìm hiểu, tôi được biết tại dự án này, Cty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 vẫn còn nợ Nhà nước tiền sử dụng đất cả trăm tỷ đồng. Vì vậy, không biết đến bao giờ thì họ có tiền đền bù cho chúng tôi? Trong khi đó, nhiều trường hợp người dân đã mua nhà về đây rồi nhưng do chủ đầu tư nợ tiền Nhà nước nên vẫn chưa được cấp Sổ đỏ. Với kiểu GPMB “xôi đỗ” như trên, tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xem lại năng lực tài chính của chủ đầu tư tại dự án này. Nếu khả năng tài chính của chủ đầu tư có hạn thì đề nghị UBND quận Hoàng Mai có phương án đền bù GMBP theo hưóng cho gia đình tôi được đền bù bằng đất (tái định cư) tại chỗ ngay tại KĐT Ao Sào nhằm sớm chấm dứt cảnh khổ cực cho gia đình chúng tôi.