Tai nạn nghiêm trọng
Lúc 14h40 ngày 20/2/2017, đoàn tàu khách mang số hiệu SE2 do đầu máy 906 kéo, khi đến Km 738+245 khu gian Lăng Cô - Cầu Hai, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đã va chạm với xe tải chở đá BKS 75C-02691 khiến 3 người tử vong, gồm phó tàu Phạm Hồng Phượng (SN 1984, quê Yên Bái), tài xế xe tải Lê Bá Dũng và người ngồi trên xe tải Lê Văn Tuấn (SN 1984, trú P. Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, TT. Huế). Ngoài ra còn 2 nhân viên tàu và 2 hành khách bị thương. Đoàn tàu chở 236 hành khách.
Cú va chạm mạnh khiến 6 toa tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray (có 3 toa lật nghiêng) và 100m đường sắt bị hư hỏng. Đường sắt Bắc - Nam tê liệt. Đoàn tàu khách (SE20) bị bãi bỏ, 4 đoàn tàu hàng bị giải thể dọc đường và 6 đoàn tàu hàng chuyên tuyến phải nằm chờ tại các ga.
Trong đêm 20/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong khu vực phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường để khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Lực lượng cứu hộ phải cắt toa tàu đưa thi thể phó tàu ra ngoài đồng thời khoan cắt từng đoạn đường ray, tháo rời từng chi tiết máy, phá đường cho xe chuyên dụng vào.
Đến 10h30 ngày 21/2, sau gần 20 tiếng liên tục cứu hộ, sửa chữa, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được thông tuyến trở lại. Hiện hệ thống đường ray đang được tiếp tục khắc phục, trong đó 5 toa tàu sẽ được cẩu lên các tàu hàng chở về các ga gần để sửa chữa.
Đến 14h chiều 23/2, các toa tàu hư hỏng đã được 2 cẩu cứu hộ 100 tấn (1 cẩu từ Đà Nẵng ra và 1 cẩu từ Hà Nội vào) kéo và “hộ tống” từ hiện trường về ga Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) để khám nghiệm, đánh giá thiệt hại.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn (Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế) cho biết: “Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành làm rõ. Hiện, vẫn chưa có kết luận chính thức nhưng qua điều tra ban đầu cho thấy, lỗi là ở xe tải. Khả năng, xe tải chở đá này chạy với tốc độ cao đến khu vực biển báo, tài xế xe tải không quan sát, vượt qua nên xảy ra vụ việc trên”.
Theo Trưởng tàu SE2 Nguyễn Thanh Minh, lúc xảy ra tai nạn, tàu chạy với tốc độ 75 km/h (vận tốc cho phép là 80 km/h): “Lúc đó, tôi đang ở toa bưu vụ cùng với 10 nhân viên khác thì nghe còi tàu ré lên chói tai đồng thời với tiếng phanh gấp. Chỉ trong vài giây sau, cả toa tàu lật nghiêng qua ta-luy bên trái, xoay hướng về phía Nam.
Lúc đó, tôi bị xoay nhiều vòng, rơi xuống sàn. Do cửa thoát hiểm mở nên tôi huy động nhân viên lấy búa cứu hộ đập cửa rồi đưa mọi người ra ngoài. Nhưng phó tàu Phạm Hồng Phượng đã tử vong”.
Ông Vương Quốc Dũng (56 tuổi, trú Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) là hành khách đi trên tàu gặp nạn kể: “Khi đang nằm ở toa 6 của đoàn tàu thì nghe những tiếng động rất mạnh, sau đó cả đoàn tàu chao đảo. Sự chấn động mạnh khiến tôi và nhiều hành khách trên toa ngã nhào xuống sàn.
Tiếp đó, là những tiếng la hét thất thanh, kinh hoàng. Mọi người trên toa ai cũng sợ hãi. Tôi cùng một số hành khách dùng búa cứu hộ đập cửa để thoát ra ngoài, trước mắt chúng tôi là những toa tàu nằm nghiêng ngả bên vệ đường ray”.
Theo ông Dũng, thời điểm đó, mọi người có mặt trên toa tàu đều hoảng loạn vì không biết chuyện gì đã xảy ra. Một lúc sau mọi người mới biết tàu bị lật vì đâm trúng xe tải.
Ông Can chỉ nơi con rắn bị bắt. |
Anh Hồ Hữu Lộc (32 tuổi, ngồi ở toa số 4, quê ở xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, TT. Huế) thất thần kể lại: “Tôi hay đi công tác xa nhà và luôn chọn phương tiện đi lại là tàu hỏa vì khỏi bị say xe, lại tiết kiệm được tiền hơn đi máy bay. Khi đó, tôi đang vào mạng xã hội để nói chuyện với bạn thì bỗng giật mình khi nghe tiếng rầm. Các toa chao đảo, tôi bị nghiêng người, hành lý thì văng ra tung tóe.
Mọi người bị dồn đẩy về phía trước mất thăng bằng, thậm chí giẫm đạp lên nhau khi tàu bị nghiêng. Ngay lúc đó, một số người thì ôm nhau khóc lóc thảm thiết, người thì nói phá nhanh cửa kính để thoát, họ không hiểu được chuyện gì vừa xảy ra, không ai còn giữ được bình tĩnh. Nhiều hành khách bị rách ở trán do va chạm với thân tàu”.
Một cụ già nói tiếp: “Tôi không ngờ mình vẫn còn sống. Lúc đó, đang xem vô tuyến thì nghe tiếng động lớn, lại tưởng vô tuyến bị cháy”.
Cha con đều tử nạn
Sau sự việc, lực lượng cảnh sát PCCC mất gần 4 giờ mới đưa được thi thể anh Phượng ra ngoài. Được biết, Phó tàu Phạm Hồng Phượng có vợ là Phạm Thị Bích Hồng (33 tuổi, là nhân viên hợp đồng của Bệnh viện GTVT Yên Bái), hai con (6 và 1 tuổi). Bản thân anh Phượng có 10 năm kinh nghiệm, trong đó 6 năm là phó tàu phụ trách an toàn.
Nhà có 4 anh chị em thì có 3 người nối nghiệp đường sắt của bố mẹ. Bố anh Phượng từng công tác ở ga Yên Bái, còn mẹ làm ngành thông tin đường sắt. Anh được đồng nghiệp đánh giá là người hiền lành, tận tâm với công việc.
Nhận được tin dữ, ngay lập tức chị Hồng cùng người thân tức tốc bay từ Hà Nội vào Huế. Vừa bước xuống xe, thấy hiện trường ngổn ngang giữa tiếng gầm rú của máy cẩu, trước sự ra đi bất ngờ của anh Phượng, người cứ khóc ngất gọi tên chồng đến lạc giọng.
Anh trai của nạn nhân không cầm được nước mắt tâm sự: “Cách đây 9 năm, trong giờ trực ở ga Yên Bái, bố tôi đột quỵ rồi qua đời. Ngày 22/2, là ngày giỗ của bố, em trai tôi hứa thu xếp công việc để về nhưng giờ còn đâu. Nó đã đoàn tụ với bố ở nơi chín suối rồi. Gia đình có truyền thống theo nghiệp đường sắt mà có tới 2 người mất đi khi thực hiện nhiệm vụ”.
Người anh tiếp tục: “Em dâu tôi làm hợp đồng ở bệnh viện mức lương chừng 2 triệu đồng, còn Phượng nếu đi đủ chuyến cũng được 6,5 triệu nên hai vợ chồng mấy năm qua không dư được nhiều. Trụ cột trong nhà đột ngột qua đời, giờ hai đứa con nhỏ con của Phượng không biết bám víu vào ai?”.
Hiện trường vụ tai nạn |
Lời đồn mê tín
Tài xế xe tải Lê Bá Dũng sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai. Người vợ bán bún cạnh nhà, con trai 16 tuổi, con gái mới 3 tuổi. Hàng xóm cũng nhận xét anh Dũng hiền lành, chịu khó.
Chị Nguyễn Thị Phương (37 tuổi, vợ anh Dũng) tâm sự: “Chồng tôi có thâm niên hơn 10 năm làm nghề tài xế, mới mua được xe tải để đi chở vật liệu xây dựng. Tôi hay dặn anh chạy xe cẩn thận, anh cũng biết điều này nhưng không hiểu sao hôm đó anh lại gây ra vụ tai nạn thương tâm. Anh trai của chồng tôi mới mất, một anh 47 tuổi chưa lấy vợ. Giờ một mình tôi biết lấy gì để nuôi mẹ già cùng hai con ăn học đây”. Nói rồi chị òa khóc.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng trên, tại khu vực nơi tài xế Lê Bá Dũng sinh sống rộ lên tin đồn về nguyên nhân cái chết của anh khiến nhiều người hoang mang. Một số người gần nhà anh cho rằng, cách hôm anh Dũng qua đời 2 ngày, anh có bắt một con rắn tại nơi cất giữ đồ đám tang của xóm. Một số người mê tín sợ anh bắt “rắn thần” đã nhắc nhở.
Trao đổi với PL&TĐ, ông Nguyễn Văn Can (75 tuổi, trưởng xóm Phường Chánh, nơi anh Dũng sinh sống) cho biết: “Ở xóm tôi có nơi cất giữ áo quần và các vật dụng để đưa đám tang gọi là “Cai Đồ”. Hôm 18/2, ở làng bên có lên xóm Phường Chánh thuê áo quần để gánh đám. Tôi đi lấy thì phát hiện có một con rắn hổ mang dài chừng 70 cm, to bằng ngón chân cái nằm ở đây. Tôi đuổi con rắn này đi nhưng nó không sợ vẫn nằm yên.
Vì biết anh trai của Dũng hay bắt rắn nên tôi gọi anh này lên. Anh này dùng vật nhọn bằng kim loại đâm chết nó. Dũng biết chuyện cũng lên xem rồi mang con rắn về ngâm rượu. Người dân nơi đây thấy trong bụng rắn có vật gì lạ nên nói đó là ngọc quý, bán sẽ được 13 triệu.
Vì điều này dân ở đây mới đồn đoán rắn “báo oán”. Làng này, giờ không ai dám uống rượu rắn mà Dũng ngâm, họ còn đòi đem xác con rắn đó đi chôn, thậm chí cúng bái “rắn thần” này. Đó là điều mê tín”.
Vị này cười và giải thích: “Thứ trong bụng rắn mà họ cho rằng “hạt ngọc”, theo tôi là một hòn đá dính vào mà thôi. Con rắn này tôi đã bắt gặp nhiều lần, nó ăn gà trong xóm chứ không phải “rắn thần” hay “rắn báo oán” gì. Đúng là anh Dũng chết trẻ, bất đắc kỳ tử nhưng đâu phải vì con rắn kia. Sắp tới, tôi sẽ cho con em trong xóm dọn dẹp “Cai Đồ” này cho sạch sẽ để rắn rết khỏi vào”.
Đám tang của tài xế xe tải |
Ông Phùng Hữu Trọng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thủy Dương) cho biết có nghe tin đồn về “rắn báo oán”. Ông khẳng định đây là tin đồn nhảm, mang màu sắc mê tín dị đoan. Chính quyền địa phương sẽ làm rõ để xử lý những ai tung tin đồn khiến dư luận hoang mang.