Chưa tính đến đặc thù về chỉ tiêu thống kê
Thống kê THADS có vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh kết quả công tác THADS, góp phần giúp cho các chấp hành viên, cơ quan THADS, cơ quan quản lý THADS cũng như cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan kịp thời đánh giá, xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong công tác THADS.
Thời gian qua, nhất là sau khi có Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã chú trọng nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thống kê THADS. Trong đó, có việc ban hành và chỉ đạo thực hiện Thông tư 01 hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê THADS, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 08, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác thống kê THADS.
Nhờ vậy, công tác thống kê THADS ngày càng hiệu quả, đi dần vào nền nếp, phản ánh thực chất hơn kết quả công tác THADS. Tuy nhiên, đến nay chế độ thống kê THADS đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trước những yêu cầu thay đổi về thể chế và thực tiễn THADS.
Đáng chú ý là về chỉ tiêu thống kê, trong Thông tư 08/2015/TT-BTP đã quy định và hướng dẫn ghi chép cụ thể các trường hợp trong công tác thống kê THADS, nhưng vẫn có những trường hợp đặc thù gặp phải trong công tác thống kê tại địa phương. Chẳng hạn như chưa quy định rõ việc thống kê với trường hợp ủy thác một phần; chưa quy định thống kê đối với trường hợp thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định về thi hành án. Hay trong trường hợp Chi cục đã thi hành được một phần (với việc Cục THADS rút lên thi hành) thì trong phần đã thi hành xong đâu sẽ là phần thống kê cho Cục và đâu là phần thống kê cho Chi cục.
Ngoài ra, trường hợp một việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành có nhiều người chưa có điều kiện thi hành cũng chưa có hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Thực tế vừa qua, có địa phương ra 1 quyết định việc chưa có điều kiện thi hành đối với nhiều người; có địa phương ra quyết định chưa có điều kiện đối với từng người; có địa phương xác minh được điều kiện thi hành án của 1 người trong vụ việc không có điều kiện đã ra quyết định chưa có điều kiện đối với người đó trong khi chưa xác minh điều kiện thi hành án của những người khác vì sợ quá thời hiệu theo biên bản xác minh điều kiện thi hành án. Đặc biệt, địa phương băn khoăn với các việc thi hành án có tài sản đã kê biên phải giảm giá nhiều lần và giá trị tài sản hiện tại đưa ra bán đấu giá thấp hơn giá trị phải thi hành nhưng vẫn phải thống kê số tiền phải thi hành vào diện có điều kiện thi hành liệu có phù hợp không bởi ảnh hưởng đến tỷ lệ kết quả thi hành án, nhất là về giá trị...
“Cầm tay chỉ việc” đối với công tác thống kê THADS
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Tổng cục THADS đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê THADS (thay thế Thông tư 01 và Thông tư 08) cùng biểu mẫu, giải thích biểu mẫu và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu kèm theo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về thống kê đối với các lĩnh vực gồm công tác tổ chức cán bộ; tài chính kế toán (trừ kế toán nghiệp vụ THADS); văn phòng (thi đua khen thưởng, thống kê văn bản, công văn đi đến, số lượng thông tin báo chí, họp báo), đồng thời bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê THADS; trình tự, thủ tục, nội dung thẩm tra thống kê THADS. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung, sửa đổi về thống kê đối với các lĩnh vực đã có nhưng chưa đầy đủ, như thống kê về án tín dụng, ngân hàng, án trọng điểm; cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác có liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; vật chứng, tài sản giữ; các biểu phân tích chi tiết về giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Nhiều bất cập hiện hành đã được Dự thảo Thông tư hướng dẫn cách xử lý, mang tính “cầm tay chỉ việc”. Đơn cử đối với thống kê chỉ tiêu ủy thác thi hành án, Dự thảo đã bổ sung biểu phân tích chi tiết về thống kê quyết định ủy thác thi hành án, phân biệt rõ hơn các trường hợp cụ thể từ ủy thác trước khi ra quyết định thi hành án; ủy thác sau khi ra quyết định thi hành án (ủy thác toàn bộ quyết định thi hành án, ủy thác một phần).
Trường hợp đã thi hành được một phần quyết định thi hành án sau đó ra quyết định ủy thác phần còn lại và khi kết thúc hồ sơ thì thống kê phần việc vào chỉ tiêu việc thi hành án “xong” và thống kê phần tiền vào chỉ tiêu tiền “ủy thác” thi hành án. Trường hợp sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự xác minh cho thấy có căn cứ ủy thác một phần, phần còn lại tổ chức thi hành án thì đối với phần tiền đã ủy thác thống kê vào phần tiền “ủy thác” thi hành án, phần việc thì thống kê vào đang thi hành hoặc chỉ tiêu khác phù hợp. Việc thống kê trong trường hợp ủy thác thi hành án phá sản được tính như các việc thi hành án được ủy thác khác. Đối với kết quả thi hành về tiền, cơ quan THADS nhận ủy thác được tính thi hành xong, nhưng phải ghi chú đã chuyển tiền thu được cho cơ quan THADS đã ủy thác.