Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm thực sự là công cụ pháp lý, bảo chứng của sự an toàn, minh bạch, thuận lợi, chi phí thấp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; các chủ thể tài trợ, cho vay vốn có thể an tâm hơn khi tài trợ vốn lưu động, dễ dàng nâng cao, phát triển chuỗi tài chính cung ứng một cách an toàn, ổn định; Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được cung cấp bằng chứng pháp lý chính xác, thuận tiện về biện pháp bảo đảm, về tài sản bảo đảm trong thực hiện quản lý nhà nước hoặc khi giải quyết các vụ việc tố tụng, thi hành án. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện chỉ số hợp đồng khi đánh giá về năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Hải ,Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm |
Thời gian qua dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và của các địa phương, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Cục đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao, từ việc tham gia xây dựng chế định, quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm tại Bộ luật Dân sự, pháp luật khác có liên quan (đất đai, nhà ở, chứng khoán…) đến tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, các nghị định của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, động sản khác…
Các văn bản nêu trên đều đã được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở gắn với thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm, thực tiễn quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và lý luận khoa học pháp lý. Do đó, về cơ bản, đã góp phần quan trọng trong đảm bảo đầy đủ hơn về cơ sở pháp lý, sự thuận lợi với chi phí thấp, ít rủi ro hơn trong việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, bảo toàn các nguồn vốn, trong khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản và trong đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hội nhập của đất nước. Qua đó, góp phần đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp, của Cục Đăng ký trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm.
Hiện nay, trước yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng Chính phủ điện tử, về chuyển đổi số và trước sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, việc hoàn thiện của hệ thống pháp luật, Cục Đăng ký xác định là phải luôn chủ động tham mưu, nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật liên quan, kịp thời đáp ứng yêu cầu mới về hoàn thiện hành lang pháp lý đúng với tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng: “Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô và năng lực phục vụ, hỗ trợ phát triển của Nhà nước. Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách”. Trong đó, thời gian tới, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm vẫn cần được đặc biệt chú trọng, với các định hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời thường xuyên rà soát, tổng kết thực tiễn để kịp thời tham mưu để Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ hoặc đề xuất để Bộ trưởng trong phạm vi, thẩm quyền của mình sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm phù hợp và đáp ứng được thực tiễn.
Thứ hai, về mặt lâu dài, để đảm tính hiệu lực cao, tính khả thi cao và ổn định trong cơ sở pháp lý, cũng như để có cơ chế pháp lý giải quyết các bất cập phát sinh trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đăng ký biện pháp bảo đảm và trong hiệu quả của các thiết chế đăng ký chưa được Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định hoặc nằm ngoài thẩm quyền của Chính phủ thì Cục cần nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản tầm Luật về các biện pháp bảo đảm.