Cấp thị thực điện tử tăng nhanh
Thông tin tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho biết, đối với việc giải quyết đề nghị mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, từ 1/1/2015 đến 31/12/2018, các cơ quan chức năng của Bộ này đã xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho hơn 21,6 triệu lượt người nước ngoài.
Công tác xét duyệt nhân sự người nước ngoài nhập cảnh vừa nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho người nước ngoài vừa bảo đảm tính chặt chẽ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Qua công tác xét duyệt nhân sự, các cơ quan chức năng đã phát hiện và từ chối xét duyệt nhập cảnh đối với 209 đối tượng thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh, trong đó có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố ở nước ngoài.
Về việc thí điểm cấp thị thực điện tử, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/12/2018, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã cấp 422.928 thị thực điện tử cho người nước ngoài. Số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, năm 2018 tăng 186% so với năm 2017.
Đối với công tác giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2015 đến 15/11/2018 đã có 924 trường hợp được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp thẻ thường trú, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai (429 trường hợp), TP Hồ Chí Minh (252 trường hợp)…
Bộ Công an đánh giá, sau 4 năm thực hiện các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Tránh kẽ hở pháp luật
Báo cáo về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tại hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2013 có 72.172 lao động nước ngoài và đến năm 2018 con số là 88.845 lao động; lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỉ lệ lao động giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành và giảm tỉ lệ lao động giữ vị trí lao động kỹ thuật.
Nhìn chung, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động, xuất nhập cảnh còn hạn chế.
Cũng băn khoăn về vấn đề lao động người nước ngoài tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Vũ Việt Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan chức năng và một số địa phương giải quyết nhiều hệ lụy của lao động nước ngoài tại Việt Nam như các vụ xô xát giữa lao động nước ngoài với nhau hay với lao động địa phương, sử dụng phương tiện giao thông không giấy phép gây tai nạn và một số vi phạm khác.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, có tình trạng nhà thầu sử dụng lao động Trung Quốc lợi dụng quy định pháp luật ta cho phép người nước ngoài làm việc dưới 3 tháng không phải xin giấy phép lao động nên trước khi hết hạn thị thực, họ đưa lao động đến các cửa khẩu làm thủ tục rồi nhập cảnh trở lại để tiếp tục lao động, qua đó né tránh quy định về cấp giấy phép lao động.
Một số trường hợp khác lợi dụng việc Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không quy định mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các nhà đầu tư nước ngoài nên chỉ tham gia góp vốn đầu tư với số vốn rất thấp để được miễn giấy phép lao động và được cấp thẻ tạm trú dài hạn.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao đề xuất các bộ, ngành chủ động rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến người nước ngoài để kịp thời có bổ sung, điều chỉnh các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, tránh kẽ hở trong văn bản pháp luật bị người nước ngoài lợi dụng, gây phức tạp trong công tác quản lý người nước ngoài.