Nhiều vướng mắc
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tuấn - Chủ nhiệm khoa Pháp luật Dân sự nêu rõ, trong pháp luật THADS (THADS), biện pháp kê biên, xử lý tài sản được xem là một trong những quy định cơ bản, quan trọng nhất, là biện pháp bảo đảm việc thi hành án được thi hành trên thực tế. Vì vậy, có thể nói biện pháp kê biên, xử lý tài sản để thi hành án có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề về kê biên, xử lý tài sản trong THADS là một nội dung đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về cả mặt lý thuyết và thực tiễn.
PGS.TS Trần Anh Tuấn bày tỏ mong muốn, tại hội thảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, tìm kiếm các giải pháp để biện pháp kê biên, xử lý tài sản trong THADS đạt hiệu quả nhất.
Về vấn đề cưỡng chế kê biên tài sản chung trong THADS Việt Nam, TS. Trần Phương Thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tài sản chung của người phải THADS với người khác có thể bị cưỡng chế kê biên để THADS, tuy nhiên, cưỡng chế kê biên loại tại sản này khá phức tạp, bởi lẽ hiện nay, pháp luật THADS Việt Nam hiện đang thiếu quy định cụ thể, rõ ràng về tài sản chung và các loại tài sản chung trong THADS; thủ tục xác định, phân chia, xử lý phần tài sản của người phải THADS trong khối tài sản chung quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2014 còn lòng vòng, tốn thời gian, khó thực hiện và không thống nhất với hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; việc xác định phần sở hữu của các chủ sở hữu chung theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật THADS cũng bộc lộ những vướng mắc khó giải quyết; quy định về thời hạn ưu tiên mua tài sản chung tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014 chưa thật sự phù hợp.
Về vấn đề kê biên tài sản của doanh nghiệp trong THADS, TS.Bùi Nguyễn Phương Lê - Trưởng khoa Đào tạo các chức danh THADS, Học viện Tư pháp cho rằng, việc kê biên đối với quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền là việc làm rất khó bởi lẽ đây là một loại tài sản có giá trị khá lớn của doanh nghiệp, để có quyền này, nhiều doanh nghiệp đã phải tri trả nhiều loại chi phí khác nhau như chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí san lấp mặt bằng,… Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật THADS và pháp luật liên quan hiện hành thì không có quy định cho phép cơ quan THADS được kê biên, xử lý đối với quyền thuê đất mà chỉ được kê biên đối với tài sản gắn liền với đất thuê. Điều này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các chủ thể liên quan đến tài sản này.
Cần cơ chế bảo vệ chấp hành viên
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vi phạm khi kê biên, xử lý tài sản của doanh nghiệp trong THADS TS.Bùi Nguyễn Phương Lê nêu rõ, cần phải tập trung hoàn thiện các nội dung về thể chế trong đó, cần làm rõ nội dung về vấn đề kê biên quyền sử dụng đất thuê được trả tiền thuê hàng năm và việc kê biên tài sản là động sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ chấp hành viên; tăng cường chế độ trách nhiệm, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của chấp hành viên; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, nhất là trong việc chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ THADS.
Từ kinh nghiệm thực tiễn ông Phạm Quang Dũng Chấp hành viên Trung cấp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm nêu rõ, hiện nay hệ thống pháp luật về kê biên, xử lý tài sản trong THADS đang ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên THADS ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, trong công tác kê biên, xử lý tài sản trong THADS vẫn còn khó khăn cụ thể là mặc dù hệ thống pháp luật chi tiết, chặt chẽ nhưng chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn. Đồng thời, tài sản liên quan đến kê biên định giá và bán đấu giá rất lớn về số lượng, tính chất cơ-lí-hoá của tài sản phức tạp đòi hỏi chấp hành viên phải nắm rõ, yêu cầu đặt ra với chấp hành viên rất cao, nếu làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường điều đó gây áp lực rất lớn đối với chấp hành viên; những cá nhân phải chấp hành án luôn có hành vi chống đối bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, chưa có hành lang bảo vệ đối với chấp hành viên, bởi lẽ, đối với kết quả thi hành án thì chấp hành viên phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Do đó, hoàn thiện pháp luật về THADS cần có cơ chế bảo vệ chấp hành viên.