Chưa phát huy hết tiềm năng các khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện cả nước đã có 416 KCN và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Các KCN đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu của các nước, và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Sự phát triển của các KCN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, phát triển hệ sinh thái đầu tư xanh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết một số lượng lớn việc làm, từ đó, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng an sinh xã hội ở nước ta. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư thực hiện trong KCN ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN đang gặp một số vấn đề vướng mắc về khung pháp lý, thể chế, chính sách, nhất là các vấn đề về tài chính. Cùng với đó, việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT còn hạn chế…
Do vậy, việc phát triển KCN, KKT cần có những mô hình mới với các cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT ra đời trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên, theo Luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Pháp chế và Tư vấn tài chính KCN (Liên Chi hội tài chính KCN Việt Nam), phản ánh từ một số địa phương và DN cho thấy, hiện các địa phương và DN rất ủng hộ KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững nhưng thực tế làm không dễ…
“Đầu tư vào KCN hiện còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định pháp lý phức tạp, chồng chéo. Cụ thể, vướng mắc ở cả 3 cấp độ: Quy định của luật liên quan thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn; Ban hành, giải thích, áp dụng quy định văn bản dưới luật; Giải thích, áp dụng, thực thi pháp luật của công chức liên quan” - Luật sư Thành chỉ rõ.
Theo Luật sư, cần “luật hóa” Nghị định 35/2022/NĐ-CP. “Những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng, chi tiết trong luật mới thúc đẩy được DN đầu tư vào KCN, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái” - Luật sư Bùi Văn Thành đề nghị.
6 nhóm chính sách được đưa vào dự Luật
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ KH&ĐT đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật KCN và KKT. “Chúng tôi đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo Luật này” - Thứ trưởng Trung cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Bộ KH&ĐT đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để bảo đảm thúc đẩy phát triển các KCN, KKT, đáp ứng được các yêu cầu CNH - HĐH đất nước hiện nay, nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...
Cụ thể, 6 nhóm chính sách tập trung vào chính sách hỗ trợ gồm: Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các KCN, KKT. Theo Thứ trưởng Trung, chúng ta đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng.
Thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình KCN có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Ví dụ những loại hình KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái. “Các khu này có tính chất đặc thù và có những chính sách ưu việt hơn, thì chúng ta cũng phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các KCN này, để bảo đảm việc phát triển mục tiêu của KCN chuyên biệt” - Thứ trưởng giải thích.
Thứ ba là nhóm chính sách phát triển các KCN hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.
Thứ tư là nhóm chính sách phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp, ở đây là các KCN gắn với phát triển đô thị và dịch vụ. Theo Thứ trưởng, chúng ta lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển CNH - HĐH, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả DN ở trong các KCN này.
Thứ năm là các chính sách, các quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các DN thuộc hệ sinh thái hoạt động trong các KCN chuyên biệt, để bảo đảm khuyến khích được các DN đầu tư vào đây, khuyến khích phát triển KCN này.
“Thông qua các chính sách này, chúng tôi nhắm đến việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà chúng ta vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, DN đầu tư cho khu vực này, vừa là nơi đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước…” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay.