Hoàn tất cáo trạng đường dây buôn lậu gần 1000m3 gỗ tại Đắk Nông: Hàng loạt cán bộ kiểm lâm đã “nhúng chàm” ra sao?

Công an khám xét vụ án
Công an khám xét vụ án
(PLVN) - Để vận chuyển gỗ khai thác, thu mua trái phép từ rừng về kho xưởng, Phượng “râu” cùng đồng bọn đã chung chi, biếu xén cho nhiều cán bộ trong ngành Kiểm lâm và các trạm trưởng, trạm phó các công ty Lâm nghiệp dọc theo tuyến đường từ Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) qua huyện Cư Jút (Đắk Nông).

“Tấm bình phong” gỗ trúng đấu giá

VKSND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành cáo trạng truy tố trùm gỗ Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, SN 1968, quê Đắk Nông) cùng 24 bị can khác về các tội danh: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Trong số 25 bị can trên, có nhiều cán bộ Kiểm lâm như: Bùi Văn Khang (SN 1964, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar, Đắk Lắk); Hà Thăng Long (SN 1981, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Hai bị can này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Các bị can Lê Quang Thái (SN 1969, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông); Nguyễn Tấn Bình (SN 1983, Trạm trưởng Kiểm lâm số 10 thuộc Vườn Quốc gia Yók Đôn); Nguyễn Lợi (SN 1971);  Bùi Đăng Hiệp (SN 1983), Phạm Văn Hồng (SN 1987, cùng công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng, thuộc Công ty lâm nghiệp Đắk Wil) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. 

Theo cáo trạng, vào tháng 10/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định phê duyệt phương án xử lý hơn 640 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VI được trục vớt dưới lòng suối Đắk Đam (Vườn Quốc gia Yók Đôn). Sở Tài chính tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị bán đấu giá số gỗ trên. Đầu năm 2017, Phượng “râu” cùng Nguyễn Thành Kiệt (Giám đốc Công ty TNHH Thảo Trúc) trúng đấu giá, được quyền mua số gỗ nói trên. 

Ngày 23/1/2017, Phượng  ký hợp đồng mua hơn 61 m3 gỗ xẻ giá 294 triệu. Kiệt ký hợp đồng mua hơn 579 m3 gỗ tròn giá hơn 2,4 tỉ đồng. Nhằm thu lợi bất chính, Phượng và Kiệt bàn bạc, tổ chức khai thác, mua thêm gỗ bất hợp pháp tại khu vực Vườn Quốc gia Yók Đôn rồi trà trộn, vận chuyển cùng với số gỗ trúng đấu giá về huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) tiêu thụ. Việc khai thác, mua bán gỗ trái phép được Phượng giao em trai là Phan Hữu Quyền (SN 1975) và Lê Văn Chinh (SN 1969, ngụ thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút). 

Từ tháng 4/2017 đến 4/2018, các đối tượng đã khai thác trái phép 43 cây gỗ các loại trong lâm phần do Vườn Quốc gia Yók Đôn quản lý; đồng thời thu mua gỗ bất hợp pháp vận chuyển về kho bãi tại huyện Cư Jút. 

Để việc vận chuyển gỗ được thuận lợi, Phượng và Kiệt đã chỉ đạo cho “đàn em” Nguyễn Hoàng Trang (SN 1982, ngụ Khánh Hòa), đưa tiền cho một số cán bộ kiểm lâm và công ty lâm nghiệp.  

Hàng loạt cán bộ “nhúng chàm”

Tại Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, tháng 3/2017, Trang đến gặp Bùi Văn Khang (Hạt trưởng) nói chuyện, xin được đóng dấu vào số gỗ trúng đấu giá. Ngày 31/3/2017, Kiệt và Phượng đưa Trang 120 triệu “bồi dưỡng” cho cán bộ tại Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn. 

Trong tháng 4 và tháng 5/2017, Phượng và đồng bọn còn hai lần tặng gỗ cho Khang. Lần 1, Khang đặt vấn đề mua giúp cho vợ ông Y Sy H’Đơk (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk) 12 lóng gỗ Cà chít (dài từ 8-9m, đường kính từ 35-40cm).  Phượng cho người chở 8 lóng gỗ Cà chít quy cách như trên đến thẳng nhà ông Y Sy.  Lần 2, tháng 5/2017, Khang tiếp tục hỏi mua 8 lóng gỗ Cà chít hoặc Chiu liu, quy cách dài từ 7-9m, đường kính từ 35-40cm. Phượng cho người chở tới tặng Khang 4 lóng gỗ quy cách như trên. 

Tiếp đó, tháng 8/2017, Trang liên hệ nhờ Khang đóng búa bổ sung, nhằm hợp thức hóa số gỗ lậu. Biết việc đóng búa bổ sung là sai quy định, Khang vẫn nói Trang làm tờ trình. Ngày 23/8/2017, Khang chỉ đạo Hà Thăng Long phối hợp kiểm lâm địa bàn đóng búa bổ sung cho 39 lóng gỗ lậu. Sau đó, Phượng thống nhất với Trang “bồi dưỡng” cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn 35 triệu. Trong số này, Khang lấy 5 triệu, Long lấy 3 triệu, còn lại Khang giao Long “chi phí vào việc cơ quan”.

Tại Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông), tháng 5/2017, Phượng và Kiệt đến gặp Lê Quang Thái (Đội trưởng) xin vận chuyển gỗ lậu kèm gỗ mua đấu giá về huyện Cư Jút. Từ 18/6/2017 - 31/3/2018, Trang đã 5 lần đưa tiền cho Thái tổng số hơn 249 triệu. 

Tại Trạm kiểm lâm số 10 (thuộc Vườn quốc gia Yók Đôn), Phượng và Kiệt đã giao Trang gặp gỡ, đưa Nguyễn Tấn Bình (Trạm trưởng) 10 triệu. Sau đó, Bình chỉ tổ chức kiểm tra khoảng 5 chuyến xe vận chuyển gỗ đầu tiên. Các chuyến xe sau, Bình không chỉ đạo nhân viên tại Trạm kiểm lâm số 10 kiểm tra theo quy định. 

Tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 (thuộc Công ty lâm nghiệp Đắk Wil, Đắk Nông), Kiệt và Phượng giao Trang liên hệ, đưa Nguyễn Lợi (Trạm trưởng) 15 triệu để không bị kiểm tra, xử lý trong quá trình vận chuyển gỗ. 

Đến ngày 6/2/2018, Bùi Đăng Hiệp về làm Trạm trưởng thay Lợi, còn Phạm Văn Hồng làm Trạm phó. Trang gặp Hiệp trao đổi, thống nhất, cứ mỗi xe gỗ qua trạm sẽ “bồi dưỡng” 500 ngàn đồng. Hiệp nói lại cho Hồng cùng các nhân viên và không ai ý kiến gì. Ngày 19/4/2018, Trang đưa Hồng 8 triệu. Sau khi “chung chi” như trên, từ tháng 4/2017 - 27/4/2018, Phượng và Kiệt đã vận chuyển số lượng lớn gỗ lậu từ Vườn Quốc gia Yók Đôn về huyện Cư Jút mà không bị các cơ quan nói trên kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Đến ngày 27/4/2018, hai ô tô tải BKS 61L-3057 và 61C-072.70 đang chở gỗ bất hợp pháp của Phượng về kho xưởng ở huyện Cư Jút thì bị lực lượng của Bộ Công an và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp bắt quả tang. 

Vào cuộc điều tra, công an phát hiện sổ ghi chép và dữ liệu trong máy tính của Trang về nhiều vụ vận chuyển gỗ phi pháp. Theo đó, từ 4/2017 - 4/2018, Phượng và Kiệt đã vận chuyển tổng cộng 142 chuyến, với 1.091 lóng gỗ có khối lượng 1.451,368 m3. Trong đó, gỗ hợp pháp 531,072 m3, gỗ bất hợp pháp 918,128 m3.

Đọc thêm

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam
(PLVN) -Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Bí thư Bến Tre cùng hàng loạt cựu quan chức thuộc Bộ Công thương chuẩn bị hầu tòa

Ông Lê Đức Thọ khi còn đương chức (Ảnh Internet)
(PLVN) - Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định đưa vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức’’ ra xét xử vào ngày 20/11 đối với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ cùng 14 bị cáo là cựu quan chức của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM…