Theo các bác sĩ, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng. Hầu như tháng nào khoa thẩm mỹ ở các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận các trường hợp bị tai biến vì tiêm chất làm đầy từ những cơ sở làm đẹp không phép. Chỉ trong tuần qua, tại bệnh viện Trưng Vương (quận 10) đã tiếp nhận 4 trường hợp biến chứng do chất làm đầy, tiêm silicon, tiêm chất làm trắng… Có trường hợp đã biến chứng nặng gây mù mắt.
Vào khuya ngày 5/11, nữ sinh viên T.N.T (quận 2) đến bệnh viện Trưng Vương trong trong tình trạng sưng đỏ da vùng mũi, mắt phải sau chích chấy làm đầy để nâng mũi. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán T. bị nhiễm trùng hoại tử 2/3 da trên vùng mũi sau tiêm chất làm đầy nâng mũi ngày thứ 3.
Theo lời kể của nữ sinh viên T., trước đó T, được bạn bè giới thiệu tới một cơ sở thẩm mỹ ở một chung cư trên địa bàn quận 4 để sửa mũi. Tại đây, T. được một nhân viên nam khoảng 20 tuổi chích 1,5ml chất làm đầy không rõ loại nào vào mũi. Sau khi tiêm T. không thấy có triệu chứng gì bất thường nên ra về. Tuy nhiên, ngày hôm sau T. cảm thấy đau nhức vùng mũi và vùng da xung quanh mắt sau đó sưng đỏ rồi chuyển sang tím bầm. Sau khi có triệu chứng sưng tấy T. đã trở lại cơ sở thẩm mỹ đã làm cho mình để phản ánh và được chuyển đến bệnh viện Trưng Vương để điều trị biến chứng.
“Sau khi tiến hành thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng hoại tử vùng mũi sau tiêm chất làm đầy nâng mũi ngày thứ 3. Chúng tôi đã tiến hành xử lí kháng viêm, kháng sưng, giảm đau cho bệnh nhân T. Hiện tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định, còn thâm tím nhẹ vùng mũi. Rất may trường hợp này chưa gây biến chứng về mắt", bác sĩ Võ Thị Tuyết Nhung, bệnh viện Trưng Vương cho biết.
Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, bệnh viện Trưng Vương cho biết thêm, dù những tổn thương đã ổn định nhưng tiến tới bệnh nhân này phải được tiếp tục điều trị cắt bỏ phần da chết ở vùng mũi, phẫu thuật tạo hình lại, chắc chắn sẽ để lại sẹo tại vị trí được can thiệp.
Không may mắn như trường hợp của T., trước đó tại bệnh viện Trưng Vương cũng tiếp nhận một trường hợp là nữ sinh viên bị mù mắt do chất làm đầy nâng mũi ở một cơ sở làm đẹp trên địa bàn quận 3. Theo lời kể của nữ sinh viên T.P.T.L., qua tìm hiểu thông tin trên mạng, L. và bạn đã đến cơ sở spa trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) tiêm filler làm đầy sống mũi với giá 600.000 đồng. Ngay sau khi tiêm, L. cảm thấy mắt đau dữ dội, mắt trái mờ dần không còn phân biệt sáng tối. Sau đó, L. được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện và được các bác sĩ chẩn đoán bị tắc động mạch trung tâm võng mạc mắt trái do biến chứng tiêm filler gây ra. Các bác sĩ cho biết, dù cô được chuyển đến bệnh viện khá sớm nhưng thị lực mắt trái đã rơi vào âm tính, đây là tình trạng rất nặng, khó tiên lượng. Sau hai ngày điều trị thị lực của L. chưa cải thiện và có nguy cơ mù vĩnh viễn mắt trái khá cao.
Bác sĩ Quốc Khanh cho biết, nhiều người nghĩ rằng việc tiêm các chất làm đầy là một thủ thuật rất đơn giản nên thường tìm đến những cơ sở được bạn bè giới thiệu và trên mạng xã hội để thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ thuật này không hề đơn giản nhất là tiêm chất làm đầy ở mũi, vì ở mũi là một trong những vùng nguy hiểm nhất dễ gây ra những biến chứng do ở đây có hệ thống mạch máu dày đặc. Chính vì vậy thủ thuật này chỉ được thực hiện bởi những bác sĩ có tay nghề, được cấp chứng chỉ hoạt động và những cơ sở được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở hoạt động dưới hình thức thẩm mỹ như tiệm Spa, uốn tóc, chăm sóc da… không được ngành y tế cấp phép thực hiện thủ thuật này.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, nếu thấy có xuất hiện những dấu hiệu lạ sau khi tiêm chất làm đầy, bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tốt nhất là trong vòng 60 phút sau khi tiêm vào cơ thể. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện một phương pháp làm đẹp nào người dân cũng cần phải tìm hiểu về phương pháp đó và tìm những cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của ngành y tế.
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đang hoạt động trên địa bàn, theo đó chỉ có 3/131 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn đạt chuẩn chất lượng thiết yếu. Đa số các lỗi chủ yếu mà các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thường gặp là thực hiện quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn mà phòng khám được phép thực hiện; chưa thực hiện hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế hoặc hồ sơ bệnh án chưa được ghi chép đầy đủ; chưa thực hiện quy trình kỹ thuật thực hiện tại phòng khám, một số phòng khám xây dựng quy trình có sử dụng phương pháp vô cảm là gây mê, vượt quá phạm vi của phòng khám.