Hoài Linh tiết lộ về chuyện cưới vợ từ... 14 năm trước

Năm 1998, tôi về cưới một người vợ ở Bến Tre, cô ấy thương tôi hết mực. Ngày cưới của tôi má Ngọc Giàu làm chủ hôn, anh Nguyễn Dương làm rể phụ.

Năm 1998, tôi về cưới một người vợ ở Bến Tre, cô ấy thương tôi hết mực. Ngày cưới của tôi má Ngọc Giàu làm chủ hôn, anh Nguyễn Dương làm rể phụ.

Hoài Linh là một trong những danh hài "ăn khách" nhất hiện nay với số lượng người hâm mộ từ trong ra ngoài nước. Hãy cùng nghe anh tâm sự câu chuyện dài về cuộc đời, về những bước ngoặt tạo thành Hoài Linh của hôm nay. Đặc biệt, danh hài chuyên trị các vai "giả gái" sẽ bật mí vì sao anh tự nhận là một 'thằng liều lãng mạn'.
Liều mới nên cơm, nên gạo
- Nhiều diễn viên tay ngang vào nghề như anh khó mà được khán giả nhanh chóng chấp nhận. Có phải anh gặp may mắn ở bước đầu khởi nghiệp?
- Tôi thấy mình được ông Tổ phù hộ. Vì sau này khi đã thành danh, ngồi nghe mấy anh trong nghề đi trước kể về quá trình tay ngang trầy trật của họ, tôi thấy mình may mắn. May vì tôi có được một quãng đời tuổi thơ cực nhọc vào đời sớm, mưu sinh với nghề bán dạo nuôi thân và phụ giúp gia đình, để rồi từ lần chạm chân vào cuộc đời thật đó, tôi học khá nhiều bài học hay mà nhiều khi một diễn viên bỏ tiền đi thực tế cũng không tìm được.
Tôi đã được khán giả cổ vũ qua tiết mục đầu tiên diễn với anh Thành Lộc, khiến tôi tăng thêm tinh thần và lấy lại được bình tĩnh, tự tin để diễn những tiết mục sau. Nhờ đi bán mía gim, bắp luộc ở bến xe, mỗi ngày tiếp xúc với nhiều đối tượng khách thập phương tứ xứ, nên tôi còn có một năng khiếu đặc biệt là nói được nhiều giọng địa phương.
Hiểu thêm về văn hóa vùng miền để biết miền Bắc khác miền Trung ở điểm nào trong cách phát âm, miền Nam bị cố tật gì khi nói những từ ngữ giao tiếp hàng ngày. Ngoài ra, tôi cũng cho biết thêm nhiều về tiếng Bình Định, địa danh mà ông cố tôi đã sinh ra và lớn lên vì ông là người Bình Định (gốc Gò Bồi). 
Hoai Linh
Hoài Linh
- Có thể nhờ vậy mà anh nắm bắt được năng khiếu sẵn có để hình thành một Hoài Linh đa dạng trong cách dùng ngôn ngữ để diễn hài?
- Chưa hẳn như thế, tôi phải có máu liều nữa. Để thu thập được kinh nghiệm là một chuyện nhưng bắt chước giọng của nhiều miền mà thuyết phục được khán giả của vùng miền đó không phải dễ, vì có câu “chửi cha không bằng pha tiếng!”.
Tôi liều là cứ nói rồi gặp bà con cô bác hỏi thêm để điều chỉnh. Có những suất diễn nói giọng nhiều vùng miền không hiệu quả, tôi về trằn trọc, không ngủ được. Sáng tôi tranh thủ dậy sớm, ra chợ lân la tìm hiểu, được biết vùng miền đó không thích pha tiếng. Thế là, suất diễn tối đó tôi cứ nói giọng dân địa phương, khán giả lại cười rần rần.
- Ngoài khả năng về múa, hát dân ca, tấu hài, anh còn hát được cả tân nhạc và cải lương?
- Như đã nói, tôi liều nên cái gì cũng học, cũng cố tích lũy để phát huy khi có dịp. Tân nhạc thì tôi ca mỗi sáng luộc bắp, bào vỏ mía riết mà biết ca, cải lương thì bài ca cổ nào, kịch bản nào hay tôi cũng mua về để học. Các chương trình cải lương trên radio chỉ cần nghe thoáng qua là tôi biết nghệ sĩ nào ca, tuồng gì? Cái đầu thích dung nạp của tôi cho tôi nhiều lợi thế.
- Anh luôn thành công trong việc chinh phục khán giả nhưng có khi nào bị bí thế?
- Có chứ? Một lần tôi còn ở Đoàn ca múa nhạc Khánh Hòa, bị một chú quản lý hỏi khó: “Ê, mày đi hát lấy tên Hoài Linh, vậy mày biết ông nhạc sĩ Hoài Linh không?". Tôi ngẩn người. Trời ơi, trên đời này tại sao lại có một ai đó nổi tiếng tên Hoài Linh mà mình không biết? Tôi chịu thua và vẫn không nhận được câu trả lời từ người đã ra câu đố cho tôi.
Sự bỏ ngỏ đó làm tôi khó chịu, quyết tâm đi tìm hiểu. Hồi đó làm gì có Google như ngày nay để biết nhạc sĩ Hoài Linh là ai chỉ cần gõ vào máy vi tính?. Thế là tôi lân la đi hỏi mấy chú, mấy bác trong nghề ca hát, để biết nhạc sĩ Hoài Linh là ông vua viết lời tân nhạc hay nhất trong số những nhạc sĩ viết tình ca. Những bài hát mà tôi thường ca miên man: Sầu tím thiệp hồng, Áo em chưa mặc một lần, Thiệp hồng anh viết tên em, Về đâu mái tóc người thương, Căn nhà màu tím, Khách lạ đò đưa, Xuân muộn, Tâm sự nàng xuân… đều là của ông sáng tác.
Nhạc sĩ Hoài Linh tên thật là Lê Văn Linh, sinh năm 1933, cùng thời với các nhạc sĩ: Y Vân, Tuấn Khanh, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Đông… Bài hát nổi tiếng của ông là Nếu đừng dang dở theo thể điệu tango được xem là hay nhất mà tôi vẫn thường ca.
- Anh yêu nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh vì nhạc của ông nói lên đúng tâm trạng anh hay vì lý do gì khác?
- Đúng! Khi tôi yêu thì yêu hết lòng và không chừa lại gì cho mình. Nhiều người sành điệu mỗi khi nói về trải nghiệm tình trường vẫn hay nói: “Hãy dành lại cho mình 50%, đừng trao hết để rồi đau khổ”. Tôi thì không phải vậy, đã yêu thì yêu hết mình, đốt cháy tim mình trong tình yêu để mình cảm nhận cuộc sống này có một người làm cho tim mình rung lên theo từng cung bậc.
- Ít ai nghĩ Hoài Linh lãng mạn đến như thế?
- Tôi là "thằng liều lãng mạn" mà. Đối với tôi, theo ngành hài là thích hợp nhất, tuy nhiên, phải là loại hài nghiêng về dân gian. Hơn thế nữa, tôi rất thích dân ca. Nếu anh nghiên cứu sẽ thấy trong dân ca ba miền của đất nước ta, tính lãng mạn rất cao. Nhờ có tình yêu và sự lãng mạn, tôi đã tự soạn một số kịch bản tấu hài để trình diễn và thu âm những dĩa CD dân ca pha với hài hước được nhiều khán giả đón nhận. Tôi lãng mạn nhưng phục vụ cho sự hài hước, yêu nhưng không bi lụy để gần gũi với bối cảnh sống hằng ngày của con người đương đại.
- Có mâu thuẫn chăng giữa một Hoài Linh có máu liều và một Hoài Linh hết sức lãng mạn?
- Nói đến vấn đề này tôi càng nhớ đến những điều mà tôi tìm hiểu được ở nhạc sĩ Hoài Linh, người mà tôi may mắn được mang chung một nghệ danh với ông. Thời đó, ông là người đặt lời cho ca khúc hay nhất khiến bất cứ nhạc sĩ nào cùng thời với ông cũng muốn hợp tác để hình thành nên ca khúc của làng nhạc thời đó. Vì “cây đũa thần” của ông biến hóa khôn lường, đem vào giai điệu những ca từ rất đẹp. Lời ông viết rất bay bướm, văn hoa, lời có vần có điệu như thơ mà ít người có được. Tôi thích nhất bài Nỗi buồn gác trọ mà ông viết với nhạc sĩ Mạnh Phát:
“Phố nhỏ đường mưa trơn lối về
Trăng sầu nhân thế đọng trên mi
Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ
Nỗi niềm đầy lại vơi, mỗi mùa tiễn đưa một người”.
Tôi không đạt được trình độ kiến thức văn học để viết nên những ca từ như ông nhưng bù lại, tôi có được cảm nhận rất lãng mạn. Nghệ sĩ thì phải tự tin, sự tự tin đôi lúc bị cho là “máu khùng”, “máu liều” để làm những điều mà nhiều người không dám làm, từ đó mới tạo cho mình sự thăng hoa trong diễn xuất. Tôi không cho rằng hai cá tính đó mâu thuẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
Vì sau này tôi biết, ở đời thường, nhạc sĩ Hoài Linh ăn mặc bình thường, bỏ áo sơ mi ngoài quần, đi dép lê nhưng khi ông ôm đàn, sáng tác thì ông là con người hoàn toàn khác. Tôi cũng như ông, không thích chưng diện, thích mặc áo thun, quần đùi, đội chiếc nón cũ, hàng hiệu không bao giờ tôi mua, chỉ toàn mặc đồ "made in Việt Nam" thôi nhưng khi yêu thì tôi là “hàng hiệu” chính thống.
Cô ấy thương tôi hết mực
- Một dạo nghe tin anh về nước cưới vợ?
- Đó là năm 1998, tôi về cưới một người vợ ở Bến Tre, cô ấy thương tôi hết mực. Ngày cưới của tôi má Ngọc Giàu làm chủ hôn, anh Nguyễn Dương làm rể phụ. Cô ấy hy sinh cho tôi rất nhiều, hiện nay vẫn ở Mỹ, khoảng cách đi về của tôi và cô ấy cách xa quá, có khi đến 6 tháng mới gặp nhau. Nhiều người cứ bảo chuyện tôi cưới vợ là tin đồn, nhưng đó lại là thật và người vợ đó lại rất chịu thương, chịu khó với tôi.
- Anh quen người phụ nữ đó trong trường hợp nào, và anh có bao giờ nghĩ người phụ nữ đó sẽ là vợ mình?
- Tháng 8/1996, tôi về Việt Nam thăm gia đình. Tình cờ đi hát karaoke, tôi gặp cô ấy, người phụ nữ tôi đã quen một thời gian trước khi rời Việt Nam sang Mỹ định cư. Sau đó, tôi thường đến địa điểm trên để hát karaoke và chủ yếu cũng là vì cô ấy. Lúc đó, vợ tương lai của tôi không hề biết anh chàng ốm tong teo là một diễn viên tấu hài.
Để kỷ niệm cho mối tình, tôi đã đặt tựa đề Tình Karaoke cho một CD do trung tâm Tú Quỳnh phát hành. Chuyến về Việt Nam đó tôi chính thức thành hôn với Thanh Hương và bảo lãnh cô ấy sang sống chung tại Mỹ từ tháng 4/1997. Hiện nay cô ấy vẫn cư ngụ tại thành phố Garden Grove (California), Mỹ.
- Ông bà xưa nói chúng ta không thể chọn nơi sinh ra cũng như không thể chọn hàng xóm. Ở khía cạnh này anh đúc kết điều gì cho bản thân?
- Tôi sinh ngày 18/12/1969, tại Cam Ranh trong một gia đình có tất cả 6 người con (ba trai, ba gái) và tôi là con thứ ba và là con trai trưởng trong nhà. Bố mẹ tôi sinh quán ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam. Ngoài một người chị cả đã có gia đình còn ở lại Việt Nam, gia đình tôi đã sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 1995.
Nơi sinh ra của tôi là một mái ấm rộn rã tiếng cười, dù nghèo vẫn vui vì mẹ tôi là người phụ nữ sắp xếp gia đình. Ba tôi làm ăn xa biền biệt, mẹ vẫn vén khéo trong ngoài. Mẹ tôi còn là người quản lý nhà hộ sinh tư ở Cam Ranh. Tôi sống ở Cam Ranh cho đến năm 1975 thì theo gia đình vào đất Long Khánh, có thêm nhiều hàng xóm mới ở vùng đất đỏ. Giai đoạn này nhà tôi gặp nhiều khó khăn nên buộc tôi phải mạnh mẽ, thoát khỏi cái dáng công tử để lao vào mưu sinh, phụ giúp gia đình. Tôi bắt đầu vào nghề bán mía gim, bắp luộc ở bến xe Dầu Giây.
- Nghề bán mía gim, bắp luộc đã để lại cho anh những trải nghiệm gì?
- Tôi từ một đứa con trai mới lớn, quen được cưng chìu nay phải thức khuya dậy sớm, bàn tay ngày nào cũng rướm máu vì bào vỏ mía, phồng rát vì tiếp xúc với hơi nóng từ những nồi bắp luộc. 4 giờ sáng đi chợ, 5 giờ đã ra lò mía, bắp để lội bộ ra bến xe. Thế giới bán hàng rong giúp tôi học hỏi nhiều điều, xấu thì gạt bỏ, tốt thì giữ lại.
Tôi nhớ một chị bán hàng rong thấy tôi nhỏ nhưng lanh lẹ, bán đắt nên ganh ghét, tìm mọi cách giựt mối hàng của tôi. Biết vậy tôi tránh xa, nhường cho chị ấy bán. Nhưng rồi riết chính người phụ nữ đó lại thương tôi như em ruột, sau này “bảo kê” cho tôi bán. Nghĩ lại tôi thấy mình ứng xử rất hay, từ những lời dạy của mẹ: “Ai ganh ghét thì kệ họ, con cứ nhún nhường rồi họ sẽ tự cảm thấy mắc cỡ với chính mình!”.
Câu dạy đó của mẹ cứ ở trong tôi, có khi cảm thấy điều đó giáo lý, mô phạm, khó áp dụng cho thời nay, nhưng nghiệm lại tôi thấy đúng. Chữ Nhẫn người ta vẽ ra treo trong nhà nhưng mẹ tôi thì khuyên tôi nên ghi tạc trong lòng. Trải nghiệm của cuộc sống tự lập đã cho tôi nhiều niềm vui, nhất là sau mỗi buổi chiều đi bán về, đếm mớ tiền lẻ thấy lãi ngày càng tăng.
Tôi phân tiền ra làm ba phần, một làm vốn, một cho mẹ, phần còn lại để dành chờ đoàn hát có ghé lại quê mình để đi xem. Tôi còn thích sưu tập bài ca in sẵn để tập hát và nghêu ngao bất kể lúc nào có thể, nhất là những vở tuồng của cô Lệ Thủy, chú Minh Vương, những kịch bản mà sau này tôi vinh hạnh được diễn chung: Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang, Mắt em là bể oan cừu…
- Đọc những bài phỏng vấn về anh, tôi thấy có giai đoạn gia đình anh quay về Cam Ranh và từ đó chính thức gia nhập nghề hát?
- Đó là giai đoạn năm 1992-1993, gia đình tôi về lại Cam Ranh vì muốn giành lại căn nhà đang bị tranh chấp. Thời gian này, tôi tình cờ gặp một anh bạn, người này nhờ tôi tham gia nhóm múa vì đang thiếu người. Đó là Đoàn ca múa nhạc Ponaga – Cam Ranh, sau đó tôi được giới thiệu theo học tại trường múa chuyên tu cho đến năm 1990 lại quay về với đoàn múa.
Khi biết tôi có ý định theo đoàn múa, gia đình tôi đã tỏ ra không hài lòng và tìm cách ngăn cản vì bố mẹ và anh tôi muốn tôi theo ngành sư phạm, mà thời đó xét lý lịch rất kỹ, gia đình tôi dọn vào Đồng Nai quá lâu, rồi lại về Cam Ranh nên khó mà thành đạt ước nguyện. Trong thời gian cộng tác với đoàn múa Ponaga, tôi đã lưu diễn khắp các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam. Về nghệ thuật múa tôi được sự chỉ dẫn của vũ sư Đặng Hùng, còn dân ca thì tôi tự học lấy.
Tôi nhớ năm 1991, tôi mạnh dạn tham dự cuộc thi "Những giọng hát hay" tại Nha Trang và được giải thưởng. Tôi và bạn bè kéo nhau ra bãi biển uống nước mía, tôi huyên thuyên nói cười vì quá mừng với thành quả lần đầu đi thi. Không ngờ tại đây, tôi đã gặp anh Thành Lộc, một diễn viên của Ban kịch tỉnh Khánh Hòa mới giải tán và gia nhập đoàn Ponaga.
Anh rủ tôi phối hợp để làm một cặp song tấu hài diễn chung trong chương trình của đoàn. Tôi hỏi: “Nhắm có được không anh? Em nói chơi cho vui với bạn còn lên sân khấu thì sợ em vô duyên khán giả chê thì khổ lắm”. Anh Thành Lộc động viên, “cứ thử đi” và hai anh em chúng tôi đã diễn thử và có kết quả tốt.
- Những màn kịch hài năm đó anh còn nhớ?
- Tôi làm sao quên được. Tôi nhớ như in khi lên sân khấu run đến đổi không dám nhìn khán giả. Đúng là khi mình “giỡn” cho khán giả cười khác với mình “giỡn cho ở nhà mình cười”. Tiểu phẩm hài đầu tiên diễn tại Diên Khánh mang tên Tô Ánh Nguyệt Tân Thời. Anh Thành Lộc đóng vai Minh, còn tôi là Tô Ánh Nguyệt. Nhìn cái tướng ốm teo của tôi với chiếc áo bà ba, khán giả đã cười nói chi đến những câu thoại trong tình huống sợ sệt, mà sợ thiệt nên rất phù hợp với bối cảnh của một diễn viên tay ngang như tôi.
Tôi được thế này là nhờ gia đình
- Ngày nay, khi đã là một danh hài, anh nhớ gì về khoảng thời gian chân ướt, chân ráo theo nghề nơi đất Mỹ xa xôi?
- Khi mới sang Mỹ tôi và gia đình ở Orlando, Florida khoảng 10 tháng. Tôi đi làm công nhân cho một hãng thịt đông lạnh. Nhớ lại tôi còn sợ, mỗi ngày chạy ra chạy vào kho lạnh với nhiệt độ dưới âm độ, có khi tôi về nhà bị sốt một tuần lễ. Ba mẹ tôi thấy vậy khuyên tôi nên nghỉ làm.
Buồn quá vì tự nhiên thất nghiệp, rồi lân la đi chơi với một đám bạn thân, biết tôi lanh lẹ một người quen nhờ tôi đứng ra điều khiển chương trình trình diễn trong một tiệc cưới tại nhà hàng Sài Gòn ở khu Bosla, miền Nam California. Sau đó, tôi liên tục được mời cộng tác nhiều nơi.
Khoảng tháng 9/1994, một mình tôi bay về California sinh hoạt. Quyết định này đến với tôi trong một buổi đi hát ở Tiểu Bang Florida, tại đây tôi gặp ca sĩ Thanh Tuyền và Trizzie Phương Trinh. Cả hai khuyên tôi qua Cali sinh sống để theo nghề. Ngay ngày hôm sau tôi đã từ giã bố mẹ rời Florida và cùng với dì tên Lệ Ẩn lên đường.
Với sự bảo lãnh của dì, tôi được bố mẹ đồng ý. Ở California, tôi cư ngụ tại nhà ông cậu thứ mười và 2 tuần sau tôi mới có dịp xuống Little Saigon, được người bạn tên Nhật Tùng đưa đến quán cà phê Tao Nhân. Tại quán này tôi đã lên tấu hài bài Tình Karaoke và hát một bài tân nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh. Khán giả rất thích thú tiết mục của tôi, nhất là khi chủ quán là ca sĩ Thiên Hương, cũng là người Bình Định. Đêm hôm đó tôi cũng có duyên gặp tác giả trẻ chuyên viết kịch bản Ngô Tấn Triển, anh đã dựa vào sở trường của tôi để viết nhiều kịch bản cho tôi diễn sau này.
Một tuần sau, tôi may mắn gặp nghệ sĩ Vân Sơn và được mời cộng tác sau khi nghệ sĩ Bảo Liêm tách rời công ty này. Tôi nhận lời ngay vì đó là cơ hội tốt. Đến tháng 10 năm 1994, tôi và anh Vân Sơn chính thức diễn chung với nhau trong chương trình văn nghệ do một Chùa tổ chức ở Orange County. Và đến cuối năm 1995, tôi chính thức cộng tác độc quyền cho Vân Sơn Productions trong những sản phẩm video và audio, cũng như cùng nhau có mặt tại rất nhiều chương trình đại nhạc hội để trở thành cặp tấu hài được rất nhiều người ưa thích.
- Khó khăn của một diễn viên tay ngang bao giờ cũng nhiều, anh có được máu liều và sự lãng mạn nhưng dường như chưa đủ để thành công?
- Đúng, tôi như một diễn viên xiếc đi thăng bằng trên cao mà cây sào thì mỗi lúc mỗi nặng. Để tự học và phát huy thêm những điều mình cần học, ngoài việc lưu diễn, thu video hoặc audio, tôi còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về dân ca, là một bộ môn tôi rất thích.
Trong thời gian ở Việt Nam, tôi có về Đà Nẵng để xin những nghệ nhân ở đây một số tài liệu dân ca Quảng Nam, Đà Nẵng rất có giá trị để đưa sang Mỹ, dựa trên đó để sáng tác và coi như là cái vốn truyền lại cho những người đi sau góp phần bảo tồn di sản văn hoá. Cái chuẩn mà tôi đặt ra cho mình là phải học gấp ba người đã được đào tạo, do đó tôi rất quý công lao mà thầy Trần Ngọc Giàu đã dành cho tôi.
Ông đã đứng ra dàn dựng vở Trạng chết, chúa băng hà trên sân khấu Nhà hát Kịch TP HCM để tôi lần đầu tiên bước vào kịch dài trên sân khấu Việt. Mỗi vai diễn đã cho tôi thêm bài học để rứt ra khỏi thói quen tấu hài mà đi vào thân phận của các nhân vật, biết như thế nào là cá tính nhân vật, tìm kiếm cách thể hiện mới mẻ hơn. Sau này khi tôi được kết nạp là hội viên Hội Sân khấu TP HCM, và cho tới hôm nay tôi là nghệ sĩ hải ngoại duy nhất được kết nạp vào Hội này.
Tôi rất mừng khi mình được đồng nghiệp công nhận. Ngày tôi bước lên sân khấu Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM diễn vở Dạ cổ hoài lang, bên cạnh anh Việt Anh tôi cảm nhận rất rõ niềm hạnh phúc của mình. Tôi đã thoát khỏi cái nhìn quen thuộc của khán giả về một nghệ sĩ chuyên diễn tấu hài để đi vào những vai diễn đẳng cấp hơn.
- Với những thành viên trong gia đình tham gia nghề hát, anh có hài lòng trước thành quả của họ?
- Như tôi vẫn thường nói với các con và em mình, nếu mỗi ngày còn được nghe tiếng pháo tay của khán giả dành cho mình thì ngày đó hãy biết ơn tình cảm cao đẹp đó. Chúng ta ai cũng có những khúc quanh trong đời và thường tự hỏi mình sống lành thế nhưng sao không gặp hên? Tại sao mình không cho trúng số độc đắc, không cho nhặt được vàng rơi để cho đời bớt khổ. Tôi thấy những người đó quên rằng mỗi ngày mình tích đức, làm việc lành thì khi gặp khúc quanh trong đời, tự khắc sẽ không ngã, sẽ vượt qua bình an.
- Nói vậy anh từng ngã?
- Cụ thể lúc 13h50 ngày 12/8, trên Quốc lộ 1A tại địa điểm Dốc Chùa thuộc thôn Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An -Tỉnh Phú Yên) chiếc xe mang số BKS: 53N-5416 đã húc vào đuôi xe tải nhẹ BKS 78K-5798 làm xe này rơi xuống rãnh thoát nước bên vệ đường.
Tôi và tất cả anh em trong Công ty Nụ Cười Mới đều ngồi trên chiếc xe gặp nạn đó. Bình thường tôi đi máy bay, nhưng sau các buổi diễn ở Huế, Đà Nẵng rồi Hội An, thấy anh em trong đoàn mỏi mệt nên tôi đã chuyển sang đi cùng với anh em cho vui, đến địa điểm trên thì gặp sự cố. May mắn thoát hiểm đã là một điềm lành.
Theo Người lao động

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.