24 năm tâm huyết với nghề
Theo trình bày của bà Chắt, từ tháng 9/1961, bà bắt đầu công tác giảng dạy tại trường vỡ lòng của xã Văn Côn (nay là Trường Tiểu học Vân Côn). Trong suốt 24 năm công tác giảng dạy, bà luôn hoàn thành nhiệm vụ, luôn phấn đấu là một cô giáo hiền, người giáo viên mẫu mực. Trong thời gian công tác, bà Chắt cũng không hề bị kỷ luật hay bị phê bình của nhà trường hoặc lãnh đạo ngành, Sở Giáo dục.
Đến năm 1984, Hội đồng nhà trường yêu cầu giáo viên kê khai hồ sơ, lý lịch theo Nghị định mới của thời kỳ đó. Bà Chắt đã chấp hành kê khai đầy đủ thủ tục theo yêu cầu. Đến tháng 9/1985, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Côn xét thấy hoàn cảnh gia đình của bà Chắt có nhiều khó khăn nên cho bà nghỉ giảng dạy, chuyển đổi vị trí công tác của bà Chắt sang tham gia xây dựng kinh tế của Hợp tác xã và gia đình.
Tuy nhiên, việc cho nghỉ giảng dạy của Ban lãnh đạo nhà trường đối với bà Chắt lại không hề có bất kì một văn bản hay quyết định nào. Kể từ khi nghỉ, bà cũng không được hưởng bất kỳ chế độ hay ưu đãi nào cho suốt thời gian 24 năm công tác của mình. Trong khi đó, những đồng nghiệp, những giáo viên công tác cùng bà thời kỳ đó vẫn được hưởng các chế độ lương hưu, y tế … đầy đủ.
Chia sẻ với PV, bà Chắt nói: “Trong suốt 24 năm tâm huyết, gắn bó với nghề giảng dạy, tôi luôn cố gắng để cho các con, các cháu, các học sinh biết được con chữ. Tôi cũng luôn cố gắng giữ gìn danh dự, nhân phẩm của một nhà giáo. Thế nhưng, khi có quy định mới của ngành Giáo dục, gia đình tôi lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà không thể tiếp tục nghề giảng dạy là một nỗi đau, điều đáng tiếc của tôi. Thế nhưng, nỗi đau đó như nhân lên khi mà bao năm cống hiến của tôi lại không được Nhà nước, các cấp công nhận, cũng không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Trong khi đó, các anh chị em cùng giảng dạy như tôi vẫn có đầy đủ chế độ. Giờ đây, đã gần đất xa trời, tôi cũng chỉ mong mỏi một điều duy nhất là sớm được Nhà nước cho tôi đưởng hưởng chế độ như mọi giáo viên khác”.
Cần sớm giải quyết chế độ
Theo ông Đỗ Đăng Lý – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Vân Côn giai đoạn bà Chắt công tác cho rằng, việc bà Chắt không được hưởng bất kì chế độ nào sau khi nghỉ giảng là thiệt thòi cho bà Chắt. Ông Lý xác nhận: “Tôi nguyên là Hiệu trưởng thời kì bà Chắt giảng dạy tại Trường cấp 1. Bà Chắt có thời gian công tác liên tục từ năm 1961 đến năm 1985, việc bà Chắt phải nghỉ giảng dạy là do chế độ, quy định thời kỳ đó có thay đổi. Tôi cũng kính mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét để giải quyết chế độ cho bà Chắt”.
Cùng ý kiến trên, ông Đỗ Chuông – nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 1 và cấp 2 xã Vân Côn cũng cho rằng, các cơ quan chức năng của huyện và thành phố cần xem xét và giải quyết cho bà Chắt. Ông Chuông xác nhận: “Thời gian công tác của bà Chắt tại Trường Tiểu học là rất rõ. Tôi cũng là một trong những Hiệu trưởng của Trường cấp 1 khi bà Chắt đang công tác. Việc bà Chắt phải nghỉ công tác là do chính sách nhà nước thay đổi. Chúng tôi cũng mong muốn lãnh đạo các cơ quan liên quan sớm giải quyết chế độ cho bà Chắt ”.
Mặc dù việc giảng dạy của bà Chắt tại Trường Tiểu học đã được các nguyên lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương xác nhận, thế nhưng, mọi hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác giảng dạy của bà Chắt lại không còn được lưu trữ. Do vậy, khi bà Chắt gửi đơn đề nghị giải quyết chế độ của mình tới các cơ quan chức năng nhưng họ đều từ chối hoặc hướng dẫn bà bổ sung hồ sơ.
Thiết nghĩ, với trường hợp của cựu giáo viên Chu Thị Chắt sau 24 năm giảng dạy, cống hiến mà không được hưởng chế độ là một thiếu sót không đáng có trong ngành Giáo dục huyện Hoài Đức. Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc và xem xét giải quyết chế độ theo đúng quy định, để tránh thiệt thòi không đáng có cho bà Chắt.