Hơn 10 năm “kêu cứu” vô vọng!
Mỗi ngày, con đường dân sinh dài gần 5km nối từ QL14B về Phước Thuận, Thạch Nham Đông..., “gánh” hàng chục chiếc xe ben chở đất, đá ra nối đuôi nhau ra, vào. Mùa mưa, đường càng bị khoét sâu hơn tạo thành “ổ trâu, ổ voi”, nhầy nhụa với sình lầy. Khi trời tạnh ráo, nắng lên, bụi đất đá bay mù mịt khiến không khí ở đây ngột ngạt, khó thở. Nhà dân 2 bên con đường cửa đóng kín mít, thường xuyên phủ một lớp bụi xám xịt.
Đang chuẩn bị làm giỗ cho mẹ, ông Đặng Khôi (thôn Phước Thuận) lo lắng: “Chỉ cái bàn thờ thôi mà tôi lau dọn cả buổi chưa xong. Nền nhà in được cả dấu chân. Ngay bữa cơm gia đình, đến ăn cũng không được, huống gì phải chuẩn bị cúng tiệc, mời bà con lối xóm tới dự thế này. Có khi lại cửa đón, then cài mất”.
Cũng lời ông Khôi, nếu tiến sâu vào trong làng đúng giờ trưa, tiếng chát chúa của mìn phá đá như “chiến sự”. Mìn vừa nổ xong bụi bay mù trời, gặp gió thổi hết xuống làng.
Tiếp lời ông Khôi, ông Nguyễn Năm sống gần nhà cho biết, mấy hộ dân sống dưới hành lang đường điện 500kV giờ đã di dời, nhà hoang đập bỏ càng khiến ngôi làng thêm xơ xác, không khác gì “vùng đất chết”. Ngoài ra, với lưu lượng xe ben, xe tải ra vào, lại chạy ẩu, không che đậy gây ảnh hưởng lớn đến an toàn của con em học sinh tham gia giao thông.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng mất đất sản xuất khiến người dân ở đây lâm vào cảnh khốn khó. Ông Lê Duy Anh, trưởng thôn Phước Hậu bức xúc, khoảng 10 năm trước, toàn thôn có hơn 25 ha đất nông nghiệp trồng lúa và các loại hoa màu, song đến nay chỉ còn chưa đến 5ha có thể canh tác. Thôn Thạch Nham Đông, Phước Hậu cũng tương tự. Đặc biệt, thay vì làm 2 vụ mỗi năm nhờ vào nguồn nước từ các khe hố sát chân núi thuộc xã, nay chỉ trông chờ trời mưa nên năng suất rất bấp bênh, đời sống người dân càng khổ hơn. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp khai thác đất san lấp cho các dự án, khai thác đá… đã làm bồi lấp, biến dạng và không chịu đền bù. Hàng trăm hộ dân thuộc 3 thôn chỉ biết khóc ròng.
Còn tại những mỏ đá, hàng ngày, những công nhân phần lớn con em trong xã do đất ruộng mất, phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập cũng đối mặt với nhiều hiểm họa. Không chỉ hít bụi đá ảnh hưởng đến sức khỏe, họ còn nỗi lo mỏ đá sập đè chết bất cứ lúc nào. Một công nhân tiết lộ, ở đây đã từng xảy ra vụ sập mỏ đá gây hậu quả chết người.
Doanh nghiệp chây ì làm đường công vụ
Đáng nói, nhiều năm nay người dân bức xúc kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn, mất đất sản xuất, đời sống khó khăn vẫn không cải thiện. Nhằm phản ứng, một số người dân thôn Phước Thuận, Phước Hậu liên tục đưa xe rùa, xẻng, bảng hiệu… ra giữa đường phản đối, đồng thời yêu cầu giải quyết đền bù thỏa đáng… đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự địa phương.
Trước yêu cầu chính đáng của dân, lãnh đạo thành phố chỉ đạo: đến cuối tháng 10/2016, phải đóng cửa đường dân sinh vào mỏ đá và làm đường công vụ thay thế. Thế nhưng, thực tế vẫn không được cải thiện. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND khóa IX, đại biểu Nguyễn Kim Dũng một lần nữa mang vấn đề này ra chất vấn. Theo ông Dũng, ngoài ảnh hưởng môi trường, hơn 30 ha đất nông nghiệp của xã Hòa Nhơn đã bị vùi lấp trở nên khô cằn và đây là vấn đề cần được quan tâm gấp.
Qua tìm hiểu của PLVN, tại địa bàn thôn Phước Thuận có 2 doanh nghiệp khai thác đá (Công ty TNHH Huỳnh Đức May và Công ty TNHH Hoàng Khoa); 1 trạm tập kết than Đông Bắc và 1 cơ sở sản xuất gạch tuy-nen của Công ty Trọng Anh… Đội ngũ xe ben, xe tải gần chục chiếc đều đặn ra vào chở đá đưa xuống xay, chế biến tại chỗ cạnh nhiều ngôi nhà của thôn.
Riêng mỏ đá của Công ty TNHH Huỳnh Đức May nằm ngay trên đầu thôn Phước Hậu. Bên cạnh có điểm chế biến than của kho than Hòa Nhơn (thuộc Cty CP than Đông Bắc- Quảng Ninh). Nhiều hộ phản ánh, nắng bụi đã đành, còn hễ có mưa, hàng trăm tấn than đang được chất đống tại kho, trong khuôn viên hơn 1.600m2 trở thành nổi ám ảnh kinh hoàng của bà con khi theo dòng nước tràn ra ngoài.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Trần Văn Thu xác nhận, việc khai thác đất, đá của 14 doanh nghiệp trên địa bàn xã gây bồi lấp đất canh tác và “treo nước” của 3 thôn Phước Thuận, Phước Hậu và Thạch Nham Đông, hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng. Trong nhiều năm liền, các đơn vị khai thác mỏ này không chịu chi trả tiền hỗ trợ sản xuất cho người dân.
Nói thêm về nguyên nhân làm đường chậm trễ so với yêu cầu của thành phố, ông Nguyễn Kim Dũng thông tin, thời gian qua do trời mưa liên tục nên việc triển khai thi công chậm. Bên cạnh đó, do một số vấn đề còn vướng mắc nên phải điều chỉnh lại quy hoạch tuyến. Trong đó, làm đường công vụ hết khoảng 7 tỷ đồng nhưng hơn 10 doanh nghiệp khai thác tại riêng thôn Phước Thuận chỉ mới đóng 700 triệu đồng.
Hiện tại, huyện Hòa Vang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực tham mưu trong việc hạn chế cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp tại những vị trí mới; kiên quyết xử lý những đơn vị chây ỳ, không thực hiện đúng nội dung đóng cửa mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt…