Ngày 31/10, nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các trường học thường tổ chức ngày lễ hội Halloween. Nhiều trường mầm non, tiểu học ở các thành phố lớn như ở Hà Nội cũng có chương trình lễ hội hóa trang công phu để các em tham gia. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về ý nghĩa của ngày lễ hội Halloween nên nhiều người đã sa đà vào việc hóa trang, khiến cho ngày lễ hội trở nên phản cảm. Đặc biệt là đối với các em ở lứa tuổi bậc mầm non, tiểu học sẽ bị làm thay đổi bởi những hình ảnh hóa trang một cách quái dị.
Những năm trước, nhiều trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội thường tổ chức cuộc thi hóa trang dành cho các bé. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các bé vẫn chưa đi học tại trường trở lại, có trường vẫn tổ chức thi hóa trang online cho học sinh. Các bé sẽ được hóa trang rồi đăng bài lên hệ thống của trường rồi được các thầy/cô chấm điểm.
Mặc dù việc tổ chức các cuộc thi hóa trang với mong muốn giúp các bé vui vẻ hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS.Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội: “Trẻ sợ hãi và bị ám ảnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Có những bé đã khóc thét khi thấy bạn cùng lớp hóa trang dịp Halloween. Ảnh: Internet |
Theo TS Hương, Halloween vốn là lễ hội Ma của phương Tây. Đó là lễ hội mang ý nghĩa, ma không đáng sợ. Vì thế họ hay hóa trang thành những con ma hài hước để trêu ghẹo nhau. Các con ma bé đi gõ cửa các nhà để trêu. Người lớn tỏ vẻ sợ hãi và cho kẹo để các con ma nhỏ “tha” cho họ. Vì thế, cách hóa trang thường mang tính hài hước và không gây sợ hãi. Nhưng việc hóa trang quá ghê rợn là đi sai ý nghĩa ngày hội.
“Hơn nữa nếu coi đó là ngày lễ dành cho trẻ nhỏ thì miễn trẻ vui là được. Hóa trang cho bố mẹ thấy thích thì không phải là ngày lễ của trẻ nữa”, TS Hương cho biết.
Đã có những đứa trẻ khóc thét lên khi nhìn thấy những gương mặt hóa trang kinh dị của người khác hoặc của chính mình. Có những trẻ bị ám ảnh, sợ hãi tới mức đêm về vẫn giật mình thon thót, không dám lên cầu thang hay sang phòng khác một mình. Ấy vậy mà nhiều người lớn lại vô tư chia sẻ những đoạn video đó rồi cười phá lên thích thú.
Chúng ta lo lắng bảo vệ cả thể chất lẫn tâm lý của con qua từng bữa ăn, giấc ngủ, từng cuốn sách con đọc, chúng ta cẩn thận “soi” tìm các thông điệp thiếu tích cực trong sách giáo khoa vì sợ con bị ảnh hưởng, thế nhưng lại cười vô tư khi trẻ bị hù dọa bởi những màn hóa trang ma quỷ.
Và theo TS Hương: “Việc trẻ sợ hãi và bị ám ảnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những ám ảnh đó có thể khiến trẻ sợ bóng tối, sợ ở một mình và thêm nhiều nỗi sợ hãi khác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và giấc ngủ của trẻ”.
Việc du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam trong những năm qua đã trở nên phổ biến. Nếu như ở phương Tây, Halloween là một phần trong văn hóa của họ. Người lớn hiểu được ý nghĩa của lễ hội này và họ có thể truyền đạt cho đứa trẻ thông điệp nhân văn. Còn ở Việt Nam, chúng ta chỉ tiếp nhận Halloween ở phần nổi của nó. Vì vậy, mong rằng các bậc phụ huynh hay những thầy giáo, cô giáo hãy giúp trẻ hiểu rõ hơn văn hóa của phương Tây, thay vì chỉ ở phần nổi khiến trẻ sợ hãi.