Gần 20 năm từ bỏ những giá hầu, người đàn bà ham hầu đồng nhất nhì huyện nghèo Thường Tín ngày đó nay đã xấp xỉ tuổi lục tuần.
Nhìn tư gia bề thế, không ai có thể nghĩ bà Nguyễn Thị Chiến (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) “lên voi xuống chó” kể từ gần chục lần hoá thân thành ông hoàng bà chúa để cầu tài thì đời bà cũng không khác gì canh bạc đỏ đen, khi thua trắng tay mới bắt đầu tỉnh giấc.
Một cảnh hầu đồng |
“Thanh” đồng trắng tay
Ngày ấy, người trong làng gọi bà là cô Hến cũng chỉ vì cái sắc sảo, làm ăn giỏi giang của con gái ông “địa chủ” nổi danh một thời của huyện Phú Xuyên lấy chồng “mạn trên” (Thường Tín). Trình độ ăn, nói, gói, mở của cô thuộc hàng tuyệt kỹ với những chuyến buôn gỗ Sưa đáng tiền trăm triệu trong khi mức thu nhập bình quân của đa số dân trong vùng vào những năm 90 của thế kỷ hai mươi cũng chỉ vài chục nghìn một tháng. Hồi đó, gỗ Sưa cũng quý nhưng người ta chỉ coi trọng cái lõi của cây vì thớ gỗ chắc, bền, đẹp.
Còn phần rác (thớ gỗ trắng) thì cô thuê người đẽo hết, chỉ gì lại phần lõi gỗ để bán buôn cho các xưởng sản xuất. Từ đấy, nhà cô giàu lên nhanh chóng, được xếp vào loại “đại gia làng” có nghĩa là ra chợ cầm nắm tiền, tay chỉ hàng, hất hàm không thèm mặc cả. Phú quý sinh lễ nghĩa nên cái sự ăn trắng mặc trơn làm cô Chiến ngồi chỉ tay năm ngón cả ngày cũng chán. Thế rồi, cô siêng đi lễ chùa, xem thầy, bốc quẻ và được phán là “có căn quả nặng lắm, không lên đồng thì không tránh khỏi chuyện người nhà ốm đau, làm ăn thất bát”. Vậy là cô Chiến chăm chỉ làm ăn ngày nào đã chuyển hẳn sang cần cù lễ bái, sắm sửa hầu đồng để mong tránh được tai ương.
Rồi cô cũng trở thành “thanh” đồng" mà không cần thầy dạy phải hầu theo tuần tự thế nào, nghi thức ra sao. Cô nhảy múa, điệu bộ theo từng nhân vật hoá thân được cảm nhận qua trang phục loè loẹt, sặc sỡ trong không khí giọng Chầu Văn lúc khoan, lúc nhặt; trang trọng khi mời thánh nhập; âm vang khi kể sự tích, công đức; tha thiết khi xin thánh phù hộ và buồn buồn nơi đoạn kết tiễn đưa. Dần dần thành quen, cô đã có một hội bạn thân toàn là những “thanh” đồng" trong xã ngoài thôn luôn luôn đua nhau lễ bái sắm sửa lên đồng cầu an.
Bỗng dưng, cô Chiến giỏi làm ăn buôn bán thủa nào đã được thay thế bằng “cô”… đồng" đích thực. Chồng cô tên Hộ thấy việc làm ăn cũng đang bếp bênh nhưng cũng chẳng dám nói góp ý lời nào, chỉ thở dài trước lời vợ được lặp đi lặp lại hàng ngày “sao mà sướng thế!. Thờ thánh là lòng cứ nhẹ bẫng, vô lo vô nghĩ, ngủ ngon giấc hẳn”. Thế rồi, tiền của cũng ít nhiều đội nón ra đi mà giờ nghĩ lại, cô Chiến không nhớ hết.
Đến một ngày, cô âm thầm cho ông thầy khai đồng vay gần 20 triệu, tương đương với gần 2 cây vàng quy đổi hồi đó và có thể xây được ngôi nhà đổ trần tươm tất. Lúc vay thì ông thầy này nói là đi buôn lá thuốc lá, hai tháng hoà vốn là trả đủ. Ai ngờ ông thầy mang đi chơi họ, hụi (góp vốn giúp đỡ nhau khi cần tiền và có lãi) rồi bị lừa hết cả tiền, không thể trả cô một đồng nào. Còn cô Chiến thì việc làm ăn lại không mấy thuận lợi, xoay vốn không xong, hồi vốn chẳng được vì vừa mở xưởng sơ chế da trâu. Tình thế khó khăn, cô mua đắt bán rẻ, nợ ngân hàng đến hàng trăm triệu và cô ngồi tù nửa năm.
Thế là từ “đại gia làng”, ai có thể nghĩ cô phải bán ngôi nhà đang sinh sống ở ngoài phố Quán Gánh (quốc lộ 1A đi ngang qua, thuộc địa phận huyện Thường Tín) để trả nợ. Hai vợ chồng với ba đứa con phải dắt díu nhau nhau sống ở hai gian nhà cấp bốn trong làng. Cơm không có mà ăn, ba đứa con nheo nhóc khóc vì đói. Còn ông chồng thì bắt đầu khò khè, có triệu chứng của bệnh hen phế quản.
Sau cơn mê tỉnh giấc
Cô thầm nghĩ: “Cầu tài lộc đâu chẳng thấy chỉ thấy mất nhà, sạch trơn tiền bạc”. Bất giác, cô như người tỉnh giữa cơn say và bắt đầu lại, cóp nhặt từng đồng với nghề tiện gỗ của làng. Từ đấy, cô cũng bỏ luôn chuyện hầu đồng, trở lại với cô Chiến đảm đang với biệt danh Hến ngày xưa. Vẫn cần cù, chịu thương chịu khó tích góp dần dần.
Phật thánh từ bi chỉ cho mình cái tâm thanh thản khi vô nghĩ lúc cuối đời |
Gần 20 năm sau, căn nhà cấp bốn thời “Hộ Hến phá sản” đã bị đập đi, xây căn nhà ba tầng to đẹp của người con trai cả. Hai người con thứ cũng theo cô buôn bán, đã có nhà riêng và tổ ấm của riêng mình. Không nhưng thế, còn để được ra tiền mua thêm vài mảnh đất ở một số tỉnh làm của để dành. Gia đình cô lại được liệt trong danh sách “đại gia làng” nhưng cô đã không còn là cô Chiến mà đã là bà Chiến, đã đủ kinh qua bao năm thăng trầm để trân trọng những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt.
Bà Chiến vẫn vui tươi trong niềm vui của người đàn bà ở cái tuổi lục tuần, vẫn thỉnh thoảng lễ lạt cầu may nhưng tuyệt nhiên, bà xua tay khi người ta mời bà đến dự những buổi hầu, những nơi xem quẻ, định số bởi “Giàu sang hay không cũng là do bản thân mình mà nên chứ cầu hoài sao được. Phật thánh từ bi chỉ cho mình cái tâm thanh thản khi vô nghĩ lúc cuối đời”.
Mấy bà bạn đến chơi, kể cho bà nghe chuyện nhà đầu làng đang bán đất trị giá hàng tỉ đồng để cúng bái, theo thầy thợ gì đó, bà Chiến mỉm cười, chiêm nghiệm nhớ về một thời xa lắm: “Phật thánh đâu phân biệt sang hèn, chỉ có người đời ham tiền ham của. Tôi đây cũng một thời gắng gượng lên đồng, phát tiền phát lộc thật nhiều. Đâu có phải là không biết nghĩ nhưng bỏ tiền ít thì cung văn tứ trụ đến những người xem hầu ắt phải buông lời bảo rằng keo kiệt nên không theo không được, cuối cùng vỡ lỡ, bỏ hẳn đển bây giờ và chẳng còn ham muốn cầu tài lộc gì nữa”.
Tuy vậy, trong cái rủi có cái may, câu chuyện biến cố đời bà cũng như “Tái ông mất ngựa” để rồi bà vẫn cảm ơn "thánh thần" đã cho bà ngộ ra một điều: “Tài lộc hay không là do mình mà nên” để những gì bà làm được hôm nay là minh chứng rõ ràng nhất".
Tảo Chung